Hàng loạt tỷ phú chỉ trích chính sách thuế quan của Donald Trump

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu đã thúc đẩy các đồng minh của Tổng thống Donald Trump lên tiếng về chính sách thuế quan đầy tranh cãi của Nhà Trắng.
Hàng loạt tỷ phú chỉ trích chính sách thuế quan của Donald Trump

Ken Langone, người đồng sáng lập Home Depot và là nhà tài trợ lâu năm của Đảng Cộng hòa, đã chỉ trích mạnh mẽ mức thuế quan được áp dụng rộng khắp của Tổng thống Donald Trump. Lý do mà ông đưa ra là vì chúng ở mức quá cao và được triển khai quá nhanh.

Langone nói với Financial Times rằng, Tổng thống Hoa Kỳ đã nhận được những "tư vấn kém cỏi", mức thuế quan 46% đối với Việt Nam là "vô lý" và mức thuế quan bổ sung 34% đối với Trung Quốc là "quá mạnh, quá sớm" và không tạo cơ hội cho "các cuộc đàm phán nghiêm túc có hiệu quả".

"Bốn mươi sáu phần trăm cho Việt Nam? Thôi nào!" Langone nói. "Bạn cũng có thể nói với họ, 'Đừng bận tâm gọi điện'."

Langone là một trong số ngày càng nhiều tỷ phú công khai chỉ trích quyết định tăng thuế nhập khẩu lên mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1930 của Tổng thống khi họ ngày càng lo ngại về sự sụp đổ của thị trường.

Thuế quan - mức thuế chung 10% cộng với các khoản thuế riêng lẻ bổ sung cho nhiều quốc gia - đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Trong tuần qua, S&P 500 đã giảm gần 10%.

Tỷ phú Stanley Druckenmiller, cố vấn của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, cũng đã lên tiếng khi đăng trên X vào Chủ nhật: "Tôi không ủng hộ mức thuế quan vượt quá 10%".

Tỷ phú Bill Ackman, nhà tài trợ và là người ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024, cũng mô tả mức thuế quan là "một sai lầm lớn về chính sách".

Jim Rogers, người đồng sáng lập Quỹ Quantum với George Soros, đã viết trong email gửi cho Financial Times rằng, mặc dù "thuế quan đôi khi có lợi cho một số người trong thời gian khá ngắn", nhưng chúng "hiếm khi có lợi cho bất kỳ ai".

Chủ sở hữu Tesla và Starlink, ông Elon Musk, nhà tài trợ lớn nhất của Trump, cũng đã chỉ trích thuế quan. Vào thứ Bảy (5/4), Musk đã kêu gọi áp dụng "mức thuế quan bằng không" giữa Hoa Kỳ và châu Âu và nhận xét Peter Navarro, cố vấn cấp cao về vấn đề thương mại của Trump, là "không làm được thứ gì cả".

Trong lá thư thường niên gửi tới các cổ đông vào thứ Hai (7/4), Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Jamie Dimon cũng chỉ trích các biện pháp này, cảnh báo rằng thuế quan "có thể sẽ làm tăng lạm phát và khiến nhiều người cân nhắc đến khả năng suy thoái cao hơn".

Ông nói thêm: “Vấn đề này được giải quyết càng nhanh thì càng tốt vì một số tác động tiêu cực sẽ tích lũy theo thời gian và khó có thể đảo ngược”. Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng thuế quan đã có tác động không mong muốn.

“Nó nghiêm trọng hơn tôi mong đợi”, Ross nói. “Đặc biệt, cách nó tác động đến Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia còn nghiêm trọng hơn tôi nghĩ”.

Ross nói thêm rằng các doanh nghiệp và công ty đầu tư có thể đối phó với tin tốt và tin xấu, nhưng cảnh báo: "Thật khó để đối phó với sự không chắc chắn. Nỗi sợ điều chưa biết là điều tồi tệ nhất đối với con người và chúng ta đang trong giai đoạn cực kỳ sợ điều chưa biết".

Langone cho biết, một cách tiếp cận "dễ quản lý hơn và chắc chắn mang tính xây dựng hơn" sẽ là áp dụng mức thuế 10% toàn diện đối với hàng hóa nhập khẩu, sau đó là các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia.

"Tôi không hiểu cái công thức chết tiệt đó", Langone nói. "Tôi tin rằng ông ấy đã được các cố vấn của mình tư vấn kém về tình hình thương mại này và cả công thức mà họ đang áp dụng".

Ross, người không trực tiếp chỉ trích Trump, đồng ý rằng có vấn đề với cách tính thuế quan. "Tôi cũng có một số nghi ngờ về logic của công thức tính thuế quan. Đó là một cách khá phi truyền thống để đo lường thuế quan".

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất hy vọng sẽ tiến tới và nhanh chóng đạt được thỏa thuận”.

Langone cho biết, mặc dù ông đồng ý với một số biện pháp do chính quyền Tổng thống Trump thực hiện, nhưng không đồng tình về thời điểm và cách thức. "Tôi có cách hiểu khác về thời điểm thực hiện và cách thực hiện. Tôi sẽ không thực hiện mọi thứ cùng một lúc".

Ông hy vọng Tổng thống Trump cuối cùng sẽ tham gia vào một loạt cuộc làm việc song phương. “Tôi nghĩ nó sẽ hiệu quả”, Langone nói. “Ngay lúc này, điều mà mọi người đều lo sợ là chiến tranh thuế quan”.

Khôi Phạm
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục