Doanh nghiệp nợ thuế đất khủng…
Cái tên nổi bật nhất trong danh sách bị nêu tên nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội là dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự nhà vườn để bán và cho thuê tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, với số tiền nợ thuế đất lên đến 322,35 tỷ đồng do CTCP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (Promexco) làm chủ đầu tư.
Điều đáng nói, thông tin về dự án và chủ đầu tư gần như không xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, dự án này được thực hiện trên khu đất có diện tích hơn 40.000 m2 tại Km9, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, bao gồm 4.776 m2 mở đường theo quy hoạch và 35.908 m2 xây dựng dự án, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2013. Ngày 16/1/2013, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 569/UBND-QHXDGT cho phép điều chỉnh gia hạn thời gian dự án đến quý IV/2016, tiến độ thực hiện 48 tháng trong 1 lần. Căn cứ theo công văn báo cáo tình hình thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ngày 26/11/2014, dự án này đã nộp 30 tỷ đồng tiền thuế đất và còn nợ 322,35 tỷ đồng.
Một dự án khác cũng nợ thuế khủng là Dự án Khu đô thị Phú Lương do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Việt đại diện cho liên danh chủ đầu tư CTCP Đầu tư xây dựng Trung Việt, CTCP Sông Đà 2 và CTCP Xây dựng.
Dự án có tổng diện tích lên đến 36,3 héc-ta, được khởi công từ năm 2012, nhưng đến nay mới hoàn thành việc san lấp và xây dựng 1 phần đất nền. Tổng số tiền nợ thuế đất mà dự án này phải nộp theo thông báo Cục Thuế Hà Nội là hơn 193,12 tỷ đồng và mới chỉ nộp 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới là con số nộp đợt 1, trên thực tế, tổng số nợ thuế thực phải nộp là hơn 1.544 tỷ đồng, được chia làm 7 đợt (mỗi đợt tương đương 193 tỷ đồng), trong thời hạn 24 tháng, đến chậm nhất ngày 29/1/2017.
Trong khi đó, Dự án Tháp Doanh nhân do Tập đoàn Anh Quân làm chủ đầu tư từng được quảng cáo cao 168 m với 52 tầng, tọa lạc tại trung tâm quận Hà Đông, tổng vốn đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng. Dự kiến, sau 9 tháng thi công sẽ xây xong phần móng, 24 tháng xong phần thô và 42 tháng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cho đến giờ, sau hơn 5 năm khởi công, dự án vẫn dừng ở phần móng. Số tiền nợ thuế tại dự án này là 21,9 tỷ đồng. Theo thông tin từ Chi cục Thuế Hà Đông, sau nhiều lần yêu cầu thu hồi nợ thuế không thành công, cơ quan này phải thực hiện cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản doanh nghiệp.
Bên cạnh những dự án treo kể trên, cũng phải kể đến những dự án đã mở bán hết, thậm chí sắp bàn giao cũng nợ thuế khủng. Điển hình như 2 cái tên Mỹ Sơn Tower và Diamond Flower Tower, lần lượt nợ 76 tỷ đồng và 116 tỷ đồng. Đóng vai người mua nhà tìm hiểu 2 dự án trên, phóng viên được Ban quản lý Mỹ Sơn Tower cho biết, toàn bộ căn hộ dự án đã được bán hết từ lâu với mức giá từ 22 - 23,5 triệu đồng/m2, dự kiến sẽ hoàn thiện và bàn giao ngay trong quý I/2016. Nếu có nhu cầu, người mua chỉ có cách mua lại qua môi giới đã "ôm hàng". Còn dự án Diamond Flower Tower thậm chí gần hoàn tất và chỉ chờ bàn giao cho khách hàng trong nay mai.
Câu chuyện nợ thuế của nhiều dự án bất động sản gắn liền với giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Để có vốn cho các dự án bất động sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng, các chủ đầu tư huy động từ nhiều nguồn, như khách hàng, ngân hàng, tự có… Tuy nhiên, khi thị trường gặp khó khăn, nguồn huy động từ khách hàng không được, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất lúc đó lên tới 20%/năm, thậm chí là 30%/năm.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, với mức lãi suất cao như vậy, các chủ đầu tư đều đủ thông minh để hiểu rằng, nếu nợ ngân hàng quá lâu thì áp lực siết nợ sẽ rất cao, thậm chí có khả năng rơi vào danh sách đen và không thể tiếp tục vay vốn để có thể duy trì dự án. Trong khi đó, cơ quan thuế có thể cảm thông hơn rất nhiều và mức phạt trả chậm tính ra vào giai đoạn đấy cũng chưa đến 50% so với lãi suất vay ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp tìm mọi cách để xin được gia hạn thời gian nộp thuế, cũng như cố tình chậm nộp thuế, chấp nhận chịu phạt.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, chuyên gia tư vấn thuế Công ty Kiểm toán Việt, đại đa số các dự án nợ thuế là do không có dòng tiền về, thậm chí có dòng tiền về, thì các ngân hàng đã ngay lập tức thu hồi, nên khi cơ quan thuế vào cuộc, dù phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế mạnh như phong tỏa tài khoản, thì cũng khó lòng thu hồi được. Chưa kể, đa phần giao dịch giữa chủ đầu tư và khách hàng mua nhà chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, nên sử dụng biện pháp cưỡng chế trên cũng khó phát huy tác dụng.
”Bên cạnh các nguyên nhân khách quan là do tình hình kinh doanh khó khăn, vẫn còn có những doanh nghiệp dù có hoạt động kinh doanh và tiếp tục đầu tư, nhưng không ưu tiên thực hiện nghĩa vụ với ngân sách”, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết.
Biện pháp công khai tên doanh nghiệp nợ thuế như những đợt công bố vừa rồi bước đầu cũng đã thấy hiệu quả. Những doanh nghiệp bị nêu tên đã có động thái tích cực hơn trong việc nộp thuế và đương nhiên cũng khiến những doanh nghiệp khác phải khẩn trương hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Sau khi Cục Thuế Hà Nội công bố tên doanh nghiệp nợ thuế đất, đã có khoảng một nửa trong tổng số 38 dự án đã nộp tiền sử dụng đất với tổng số tiền 219,38 tỷ đồng, tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp nộp gần như cho có, như trường hợp của Dự án Khu đô thị Phú Lương mới nộp có 10 tỷ đồng, Dự án Km9 mới nộp 5 triệu đồng…
Ông Thái Dũng Tiến, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Nền kinh tế trong các năm 2011, 2013 và 2014 là rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế, nên số nợ thuế có xu hướng tăng cao. Năm 2015, chúng tôi tập trung phân loại nợ, đánh giá số nợ, tìm hiểu, động viên, thuyết phục doanh nghiệp nợ, thực hiện các giải pháp cưỡng chế nợ thuế, từ việc đôn đốc, thông báo nợ thuế, cho đến cưỡng chế tài sản, thậm chí, thông báo hóa đơn của doanh nghiệp không có giá trị sử dụng. |
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |