Hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Long An chậm triển khai

(ĐTCK) Được cấp phép hàng chục năm, nhưng nhiều dự án có diện tích hàng chục, tới hàng ngàn héc-ta tại tỉnh Long An vẫn chưa thể triển khai xây dựng.
Khu công nghiệp Đức Hòa III xin giảm 9 dự án khu công nghiệp thành phần để chuyển thành khu dân cư. Ảnh: Gia Huy Khu công nghiệp Đức Hòa III xin giảm 9 dự án khu công nghiệp thành phần để chuyển thành khu dân cư. Ảnh: Gia Huy

Những đại dự án bất động

Trong số các đại dự án chậm tiến độ, đầu tiên phải nhắc tới Dự án Khu đô thị Đông Nam Á tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tháng 8/2007, UBND tỉnh Long An có Quyết định số 2068/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng ACM làm chủ đầu tư khu quần thể dự án rộng 1.900 ha tại huyện Cần Giuộc gồm 4 dự án là Cảng (147 ha), khu công nghiệp (396 ha), khu dịch vụ công nghiệp (239 ha) và Khu đô thị Đông Nam Á (1.145 ha). Sau đó, Công ty ACM chuyển toàn bộ quyền liên quan đến dự án cho Công ty VinaCapital Group. Tiếp theo đó, VinaCapital chuyển toàn bộ dự án cho Công ty cổ phần Đồng Tâm quản lý.

Hiện 4 dự án thành phần trên mới được Đồng Tâm xây dựng xong khu cảng, các dự án khác vẫn chưa triển khai. Trong đó, Dự án Khu đô thị Đông Nam Á được thiết kế chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có diện tích 82 ha.

Theo Đồng Tâm, Công ty đã có quyết định thu hồi đất của tỉnh, nhưng mới bồi thường giải phóng mặt bằng được 58,4 ha, đạt 71,90% về diện tích. Còn lại 15,7 ha người dân chưa chịu nhận tiền bồi thường nên chưa triển khai được.

Hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Long An chậm triển khai ảnh 1

Khu đô thị Năm Sao vẫn nham nhở sau nhiều năm triển khai do chưa giải tỏa, đền bù xong

Còn giai đoạn 2 sẽ phát triển 1.063 ha, trong đó diện tích đã có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất là 354 ha. Số diện tích còn lại 709 ha chưa có kế hoạch sử dụng đất mà UBND tỉnh cấp.

Tương tự, Tập đoàn Năm Sao cũng có nhiều dự án chậm triển khai. Có thể kể đến dự án khu tái định cư 20 ha, khu diện tích 11,5 ha tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc và khu diện tích 14,8 ha tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước. Trong đó, chỉ duy nhất khu diện tích 20 ha đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng.

Với khu 11,5 ha, được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014, nhưng tới này mới chỉ bồi thường được khoảng 85%. Còn dự án có diện tích 14,8 ha được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, nhưng hiện mới bồi thường được 100 hộ dân, vẫn còn 22 hộ dân.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có Dự án Khu đô thị Năm Sao, tổng diện tích 200 ha tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc (105 ha) và xã Long Trạch, xã Long Khê huyện Cần Đước (95 ha). Dự án được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 11/2010 và cấp thay đổi lần thứ 1 vào tháng 7/2014 với 4 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 395.325 m2 tại xã Phước Lý, hiện đã chi trả bồi thường 95% diện tích, đã xây dựng được 70% cơ sở hạ tầng theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh phê duyệt.

Giai đoạn 2 với diện tích 605.273 m2 tại xã Phước Lý, đến nay mới bồi thường được 48,4% diện tích. Hiện các hộ còn lại đã đăng ký tiền bồi thường, nhưng công ty chưa chuyển tiền để chi trả bồi thường với số tiền 178 tỷ đồng.

Giai đoạn 3 có diện tích 772.408 m2 tại xã Long Trạch. Từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2018, chủ đầu tư hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp điện, nước, giao thông, cây xanh. Tuy nhiên, tiến độ thực tế mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An công bố, hiện dự án này vẫn đang trong giai đoạn kê biên, số hộ dân đã kê biên là 124/269 hộ.

Giai đoạn 4, với diện tích 185.841 m2 tại xã Long Kê, hiện đã hoàn thành cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, nước, giao thông, cây xanh. Tuy nhiên, dự án này cũng bị vướng đền bù giải tỏa nên chưa được triển khai hoàn thiện.

Ngoài ra, khu 36 dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với diện tích 2.086 ha tại huyện Cần Giuộc được công bố đầu tư từ năm 2015 - 2017, nhưng tới nay chưa có dự án nào được triển khai.

Ông Nguyễn Anh Việt, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, các dự án này đều vướng đền bù giải tỏa. Hiện UBND tỉnh đang giao các sở, ban ngành, địa phương rà soát lại các dự án được cấp phép chủ trương phát triển từ rất lâu nhưng chưa triển khai.

“Đợt rà soát này, tỉnh chú trọng rà soát các dự án bất động sản, nếu chủ đầu tư khó khăn về thủ tục hành chính thì tỉnh sẽ tìm cách hỗ trợ, còn nếu doanh nghiệp không đủ khả năng phát triển thì thu hồi lại. Từ đầu năm tới nay, tỉnh đã thu hồi 10 dự án chậm triển khai, thời gian tới sẽ tổ chức đấu thầu lại”, ông Việt cho biết.

Ông Phạm Đình Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năm Sao cho biết, hiện dự án Khu đô thị quốc tế Năm Sao chậm triển khai vì liên quan tới thủ tục hành chính và đền bù giải tỏa. Tập đoàn đã có đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ lên phương án pháp lý về bồi thường làm cơ sở để trình UBND 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước phê duyệt lại phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và công bố với dân để người dân tiến hành cho doanh nghiệp bồi thường giải tỏa, sớm phát triển lại dự án.

Còn trong văn bản báo cáo tiến độ Dự án Khu đô thị Đông Nam Á với UBND tỉnh Long An ngày 4/6/2019, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho biết, mong được UBND tỉnh hỗ trợ các thủ tục kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư có thể phát triển sớm dự án.

9 khu công nghiệp được đề xuất thành dự án bất động sản

Không chỉ các dự án bất động sản lớn chậm triển khai, theo ông Việt Anh, hiện trong Dự án Khu công nghiệp Đức Hòa III, huyện Đức Hòa đang có 9 dự án được quy hoạch khu công nghiệp, nhưng nhiều năm chưa triển khai và đang xin chuyển thành dự án bất động sản thương mại. Trong 9 dự án này, có 8 dự án liên quan tới đại gia Trầm Bê.

Cụ thể, trong Văn bản số 112/BQLKKT-KHDT của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An gửi UBND tỉnh Long An ngày 15/1/2019 có nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6211/UBND-THKSTTHC ngày 26/12/2018 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 665-KL/TU ngày 14/12/2018 của Thường trực Tỉnh ủy, trong đó đối với nội dung rà soát, xem xét đề nghị của nhà đầu tư về việc điều chỉnh chức năng một phần quy hoạch Khu công nghiệp Đức Hòa III thành khu dân cư, Ban quản lý đã chủ trì cùng các sở như Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Xây dựng, UBND huyện Đức Hòa và các doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Đầu tư Đức Hòa III - Resco, Công ty cổ phần Đầu tư Amic, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Saigon - Long An, Công ty cổ phần Địa ốc Minh Ngân…

Các chủ đầu tư muốn chuyển mục đích sử dụng đất công nghiệp sang đất nhà ở để phục vụ nhu cầu đời sống, nhu cầu ở, cũng như nhu cầu về văn hóa, xã hội cho công nhân, chuyên gia tại các khu công nghiệp. Ban quản lý Khu kinh tế và các sở, ngành cho rằng, đây là đề xuất phù hợp .

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Việt cho biết, hiện UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ công nghiệp sang đất nhà ở. Tuy nhiên, chưa nhận được văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển mục đích này đến từ việc hiện nay Khu công nghiệp Đức Hòa III phát triển chậm, lượng thuê đất khu công nghiệp làm nhà máy của các nhà đầu tư thấp, kém hiệu quả.

Trước đó, vào năm 2016, UBND tỉnh Long An cũng đã có đề xuất giảm đất công nghiệp tại các dự án khu công nghiệp thành phần trong Khu công nghiệp Đức Hòa III để chuyển sang đất nhà ở và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Cụ thể, Khu công nghiệp Đức Hòa III - Hồng Đạt giảm từ 99,4 ha xuống 29,4 ha; Khu công nghiệp Đức Hòa III - Việt Hóa giảm từ 83.215,1 ha xuống còn 44.408,1 ha; Khu công nghiệp Đức Hòa III - Anh Hồng từ 55.241,6 ha xuống còn 44.871,6 ha.

Trong đó, tại Dự án Đức Hòa III - Hồng Đạt do Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An làm chủ đầu tư, sau khi được chấp thuận giảm diện tích đã “bán mình” cho Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An. Ngay sau đó, Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An lập ra Dự án Bella Vista phân lô bán 2.500 nền đất dù chưa có pháp lý.

Với các hành vi vi phạm, ngày 25/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An với số tiền 330 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

Thế nhưng, ngày 15/9 vừa qua, Sàn giao dịch 824 Âu Cơ (đường Âu Cơ, quận Tân Bình TP.HCM) của Công ty Trần Anh Long An tiếp tục mở bán 500 nền của Dự án Bella Vista, nhưng với tên gọi mới là Dự án The Vista City.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục