Hàng loạt doanh nghiệp khó triệu tập đại hội vì cổ đông phân tán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) DIG, CEO, LDG, HPX... và nhiều doanh nghiệp chịu cảnh cổ đông phân tán có thể tính tới giải pháp để hạn chế tình trạng đại hội lần 1 không thành công.
Đại hội cổ đông trực tuyến, hoặc kết hợp giữa đại hội trực tiếp và trực tuyến sẽ hạn chế tình trạng không đủ tỷ lệ tổ chức đại hội trong lần đầu. Đại hội cổ đông trực tuyến, hoặc kết hợp giữa đại hội trực tiếp và trực tuyến sẽ hạn chế tình trạng không đủ tỷ lệ tổ chức đại hội trong lần đầu.

Sáng 30/6/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (mã CEO) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông vào lúc 9h30, tổng số cổ phần mà cổ đông đại diện tham dự đại hội ghi nhận 91,1 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 35,42% vốn điều lệ. Đại hội không đủ điều kiện tiến hành, do không đạt trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ Công ty.

Trước đó, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) cũng không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự để tổ chức đại hội lần 1. Gần nhất, ngày 29/6/2023, CIC Group cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình huống này.

Lý giải cho việc doanh nghiệp khó tổ chức đại hội cổ đông lần 1, giới đầu tư cho rằng, tỷ lệ cổ phần tại các doanh nghiệp này không tập trung. Tại CEO Group, danh sách cổ đông tham dự đại hội được Tập đoàn CEO chốt vào ngày 29/5/2023, CEO hiện đang lưu hành trên thị trường 257 triệu cổ phiếu, với 43.953 cổ đông sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp. Công ty hiện có duy nhất một cổ đông lớn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Văn Bình, với tỷ lệ sở hữu 27,4%.

Trước đây, trong cơ cấu cổ đông của CEO còn có tổ chức đầu tư, như Quỹ PYN sở hữu hơn 10%, hay một số lãnh đạo doanh nghiệp nắm giữ vài triệu cổ phần. Tuy nhiên, cơn sốt cổ phiếu CEO hồi năm 2021 đẩy thị giá cổ phiếu lên gần 100.000 đồng/cổ phần đã khiến cổ đông lớn nước ngoài và cổ đông nội bộ quyết định “chốt lãi”.

Cổ đông phân tán, trong khi tỷ lệ lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng, ít người có nhu cầu đi dự đại hội, đặc biệt là nhà đầu tư ở các tỉnh, thành phố khác...

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp cũng cho biết, hiện Công ty có khoảng 64.000 cổ đông, trong đó cổ đông nhỏ lẻ giao dịch “lướt sóng” trên sàn rất nhiều. Có thời điểm, Công ty có đến 80.000 cổ đông. Tại kỳ đại hội ngày 28/6 vừa qua, cổ đông lớn của doanh nghiệp nắm hơn 5% là ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Pháp đang mắc lao lý nên không tham gia và cũng không có ủy quyền.

Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp có phương án hạn chế trường hợp này xảy ra, vì mỗi lần tổ chức đại hội sẽ tốn không ít công sức, thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp cũng như của các cổ đông.

Giải pháp được nhiều doanh nghiệp phòng xa trong năm nay là tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến, hoặc kết hợp giữa tổ chức trực tuyến và trực tiếp. Tức là, cổ đông có thể tham dự trực tuyến hoặc đến dự trực tiếp, cả hai hình thức này họ đều có thể tham gia biểu quyết, thực hiện quyền và chất vấn ban chủ tọa.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Tư vấn doanh nghiệp Công ty Chứng khoán FPTS, việc tổ chức đại hội cổ đông bằng hình thức trực tuyến cho phép cổ đông ở bất kỳ mọi nơi có thể tham gia kỳ họp và bỏ phiếu biểu quyết theo thời gian thực. Đây là giải pháp giúp cho đại hội cổ đông của các doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn, phân tán có thể thực hiện thành công ngay từ lần triệu tập đầu tiên.

Việc tổ chức họp đại hội cổ đông trực tuyến của doanh nghiệp đã được luật hóa theo Luật Doanh nghiệp 2020 và kể từ sau đại dịch Covid-19 đã trở nên phổ biến.

Do luật chưa có quy định cụ thể, nên thông thường, các doanh nghiệp sẽ tự xây dựng quy chế tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến trên cơ sở các quy định pháp luật, có tham khảo pháp lý để hạn chế phát sinh các tình huống có thể gây khiếu nại của cổ đông về việc tổ chức, xác thực danh tính, xác định kết quả biểu quyết…

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục