Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) gửi lên Chính phủ, trong đó có nội dung quan trọng về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Giải pháp được Bộ Tài chính tính tới là tính tới hướng sửa đổi, bổ sung những điều khoản tại Luật Quản lý thuế liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế.
Cụ thể, đối với Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp để phát triển thanh toán thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các Ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, Youtube…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Đối với các bộ ngành có liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an…: Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý đối với hoạt động TMĐT theo chức năng nhiệm vụ của các Bộ.
Có thể thấy, Tờ trình lần này đã được Bộ Tài chính sửa đổi đáng kể so với dự thảo trước đó sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp từ các Bộ ngành khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trước đó đã đề xuất bỏ nội dung “nghiên cứu đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia – Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước).
Từ đó cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế”.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn đăng ký thuế, báo cáo và thu thuế là của Bộ Tài chính/ Tổng cục Thuế.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng chỉ được chủ động trích tiền từ tài khoản của khách khi được sự đồng ý của khách hàng hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ngân hàng thương mại chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và thỏa thuận với khách hàng.
Do đó, để có cơ sở cho phép các ngân hàng thương mại khấu trừ tiền thuế từ tài khoản của tổ chức nước ngoài để nộp vào ngân sách thì Bộ Tài chính/Tổng cục Thuế với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về thuế phải ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện.
Liên quan tới Dự thảo này, hai kiến nghị từ Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được tiếp thu và nghiên cứu.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá tác động, đánh giá tính khả thi và nguồn lực thực hiện của từng giải pháp, đặc biệt liên quan đến việc quản lí thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các cá nhân, các yêu cầu công ty vận hành mạng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook, Apple) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Hơn nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc trao đổi, cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT,…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử có thể vi phạm nguyên tắc về bảo mật thông tin cá nhân.
Do đó, đề nghị Bộ Tài chính tham khảo mô hình quản lí của các nước, như đã được nghiên cứu trong điểm 9 báo cáo kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề liên quan đến quản lí thuế.