Hàng không Cánh Diều chưa thể bay

0:00 / 0:00
0:00
Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh nhiều khả năng chỉ được xem xét, phê duyệt sau năm 2022.
Hàng không Cánh Diều chưa thể bay

Chưa thuận chiều gió

Cho đến thời điểm này, cơ hội sớm được phê duyệt của Dự án vận tải hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh là rất mỏng, nếu không muốn nói là không còn.

Trong Công văn số 5568/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.

Trước đó, tại Văn bản số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tại Văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 15/6/2020, trong đó đề xuất việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (năm 2022). Phó thủ tướng nhấn mạnh, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ GTVT tại Văn bản số 4620/BGTVT-VT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án này.

Vào giữa tháng 4/2020, trong quá trình xem xét đề xuất chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Nỗi ám ảnh mang tên Covid-19

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án vào tháng 11/2019, Bộ GTVT trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã có ý kiến đánh giá khá tích cực đối với kế hoạch bay của Cánh Diều.

Cụ thể, tại thời điểm này, Bộ GTVT cho rằng, Dự án không trái với quy hoạch phát triển ngành hàng không được nêu tại Quyết định số 236/QĐ-TTg. Với quy mô khai thác 6 tàu bay ATR72, Dự án của Thiên Minh cũng được đánh giá là có thể chấp thuận, đáp ứng nhu cầu thị trường đến các sân bay chưa thể khai thác bằng các tàu bay phản lực như Airbus320/321 hoặc tương đương trở lên.

Ngay trong quá trình thẩm định Dự án Cánh Diều, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được công văn đề nghị ủng hộ chủ trương thành lập hãng hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh của 5 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ, Kiên Giang, Điện Biên, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu. Những địa phương này đang rất cần có thêm đường bay mới hoặc đang sở hữu sân bay nhỏ chỉ có thể đón được ATR72 - loại tàu bay mà Cánh Diều sắp khai thác.

Trên thực tế, Bộ GTVT cũng có cơ sở để xin giãn tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thành lập hãng hàng không mới, trong đó có trường hợp của Cánh Diều.

Theo Bộ GTVT, toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư lập hãng hàng không mới như Vietravel Airlines, Cánh Diều đều được xây dựng trong năm 2018 - 2019 khi thị trường hàng không trong nước và quốc tế phát triển tốt với mức tăng trưởng từ 13,2 – 20%/năm. Hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng hàng không Việt Nam cũng rất cao, ở mức trên 84% vào năm 2018 và trên 80% trong 6 tháng đầu năm 2019. Đây là cơ sở để Cục Hàng không Việt Nam từng đưa ra dự báo, đến năm 2020, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không đạt khoảng 60 triệu lượt khách và tăng lên 96 triệu lượt khách vào năm 2025.

“Để khai thác số khách nói trên, lượng tàu bay thương mại tương ứng của hàng không Việt Nam là 255 chiếc vào năm 2020 và 384 chiếc vào năm 2025. Điều này có nghĩa là thị trường đủ dung nạp một số hãng hàng không quy mô nhỏ và vừa như Vietravel Airlines, Kite Air”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, Covid-19 đã khiến thị trường hàng không Việt Nam và thế giới sụy giảm nghiêm trọng. Cục Hàng không Việt Nam dự báo, tổng thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 42,7 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2019.

Hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 tàu bay, nhưng chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

Trên cơ sở các đánh giá nêu trên, nhằm đảm bảo để hàng không phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ GTVT cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung vào phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động.

“Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ chỉ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Dự án vận tải hàng không Cánh Diều có mục tiêu thành lập một hãng hàng không chi phí thấp, khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không thường lệ với số vốn 1.000 tỷ đồng, tập trung khai thác các đường bay nội địa, với các đường bay nối trực tiếp tới các địa phương có dung lượng thị trường nhỏ và các đường bay nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nội Bài, TP.HCM với các địa phương.
Trong năm đầu tiên vận hành thương mại, Cánh Diều sẽ khai thác 6 tàu bay cánh quạt tầm ngắn ATR72 hoặc tương đương với sân bay căn cứ là Chu Lai và Đà Nẵng. Đến năm khai thác thứ 5 (năm 2025), đội bay của Cánh Diều sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục