Hàng hóa Việt thay đổi để xâm nhập thị trường Hàn Quốc

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá nhiều loại hàng hóa của Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi về hình thức thiết kế bao bì phù hợp hơn với thị trường này và có giá chào bán khá cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự các nước trong khu vực.

Ngày 24/10, tại Seoul, Đoàn doanh nghiệp Việt Nam, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc và Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) đã tổ chức hội nghị giao thương nhằm đưa hàng hóa Việt Nam, chủ yếu là nhóm hàng nông sản thực phẩm và hàng gia dụng, tiếp cận hơn nữa thị trường này.

Ông Trần Anh Vũ, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và ông Kim Hyun-myung, Phó Chủ tịch Điều hành Hiệp hội KOIMA đã nêu bật tầm quan trọng của thị trường Hàn Quốc đối với các loại hàng hóa của Việt Nam và cơ hội hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc với nhiều khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, trong đó Hiệp định thương mại tự do VKFTA đã có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2015, đã và đang là công cụ quan trọng giúp thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2017 đạt trên 45 tỷ USD, tăng hơn 52% so với cùng kỳ và cao hơn con số 43,4 tỷ USD được ghi nhận trong kim ngạch thương mại của cả năm 2016, nhờ những nỗ lực giao thương của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp thường xuyên được tổ chức, giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước luôn được các cơ quan chức năng hỗ trợ.

Hội nghị lần này đã thu hút sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp đầu mối thuộc KOIMA và các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối trên toàn Hàn Quốc.

Các loại hàng hóa của Việt Nam như nông sản chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng đã được 17 doanh nghiệp trong nước giới thiệu và chào bán vào thị trường Hàn Quốc.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp Hàn Quốc, các loại hàng hóa của Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi về hình thức thiết kế bao bì phù hợp hơn với thị trường này và có giá chào bán khá cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự của Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.

Đây chính là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 70 tỷ USD vào năm 2020, giúp thu hẹp thâm hụt thương mại và đưa nhiều sản phẩm nông thủy sản chế biến sang Hàn Quốc.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD nhưng đến 2016 con số này đã là 43,4 tỷ USD, tăng khoảng 87 lần.

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ và là nhà đầu tư nước ngoài số một tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, các hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương tiến hành tại các nước trên toàn thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, nhằm đạt được các mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng năm 2030.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục