Hàng hóa sạch lên ngôi

(ĐTCK) Năm nay, các quy định về an toàn thực phẩm được nhận định rất khắt khe, vì vậy doanh nghiệp cần có chính sách ứng phó thích hợp.

Năm 2012 được nhận định là năm khắt khe của các quy định về an toàn thực phẩm, tương ứng với đó là những chính sách chặt chẽ với chất lượng hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp được khuyến nghị có chính sách ứng phó thích hợp ngay từ đầu.

Đại diện thương mại của Việt Nam tại Mỹ trong thông điệp đầu năm gửi các doanh nghiệp đã cảnh báo những quy định khắt khe trong đạo luật mới về hiện đại hoá an toàn vệ sinh thực phẩm tại nước này.

Theo đó, sẽ quy trách nhiệm giải trình của nhà nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu phải xác nhận rằng, nhà sản xuất ra hàng hóa mà họ nhập về đã thực hiện đầy đủ các biện pháp tại cơ sở sản xuất để đảm bảo các sản phẩm đều an toàn.

Bên cạnh đó, phải có chứng nhận của bên thứ ba, thông qua một cơ quan giám sát chất lượng đạt tiêu chuẩn của Mỹ để cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ngoài đáp ứng được tiêu chuẩn của nước này.

Phía Mỹ có toàn quyền từ chối tiếp nhận nhập khẩu hàng hoá. Như vậy, để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào được Mỹ, doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ tất cả các điều kiện khắt khe của thị trường này.

Ngay trong những ngày đầu năm nay, doanh nghiệp thủy sản đang rất lo lắng trước thông tin Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (US FDA) sẽ có biện pháp tăng cường kiểm tra hoạt chất Enrofloxacin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngay đầu năm nay, Cơ quan FDA của Mỹ sẽ tăng cường kiểm tra hoạt chất Enrofloxacin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam

Nếu sự việc này xảy ra, thiệt hại cho tôm Việt Nam sẽ rất lớn vì cho đến nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long, vẫn có một số hộ nuôi tôm sử dụng thuốc có chứa hoạt chất này.

Tỷ lệ tôm có tồn dư chất Enrofloxacin trong cơ thể khá cao (nhất là sản phẩm của các hộ nuôi nhỏ lẻ). Năm 2011, hơn 100 lô tôm Việt Nam bị cảnh báo và trả về từ thị trường Nhật Bản do phát hiện có chứa hoạt chất vượt ngưỡng cho phép.

Tại khu vực EU, cuộc khủng hoảng nợ công vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia trong khu vực này dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Vì thế, năm 2012, xu hướng bảo hộ mậu dịch được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Một trong những bài học mà doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị chú ý là trường hợp cá ba sa của Việt Nam từng bị đánh giá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi trong môi trường bị đánh giá là ô nhiễm khiến giá trị xuất khẩu cá basa sang thị trường EU giảm nhiều.

Nhiều khả năng, EU cũng sớm áp dụng việc kiểm tra dư lượng hóa chất trong sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Đây là quy định có ảnh hưởng lớn nhất đến kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tại Nhật Bản, một trong ba thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật tăng 37%. Năm 2012, các mặt hàng thuỷ sản và nông sản thực phẩm tiếp tục có tiềm năng lớn tại thị trường này.

Tuy nhiên, thông điệp đã được nhắc nhiều lần nhưng vẫn rất thời sự: các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cần lưu ý tới chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi trong năm 2011, liên tiếp nhiều doanh nghiệp đã bị “treo code” tạm ngưng xuất hàng. Hạn chế các chất tồn dư kháng sinh, đảm bảo đúng yêu cầu của thị trường Nhật là quy định chung cho tất cả các mặt hàng thực phẩm lưu hành tại Nhật Bản.

Khó khăn là vậy, song do hàng hóa nông sản, thủy sản là mặt hàng thiết yếu nên thị trường của ngành này vẫn rất tiềm năng. Tại Nhật Bản, vùng tâm động đất sóng thần năm 2011 là trung tâm cung ứng nông sản, thực phẩm cho nước Nhật, do vậy sau thảm hoạ, nơi đây cần thời gian để phục hồi.

Do đó, nhu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu thay thế của Nhật Bản sẽ rất lớn. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 20%/năm trong 3 năm trở lại đây. Nếu vẫn giữ đà này thì tới năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD/năm.

Rào cản xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đang ngày một nhiều, nhưng thị trường vẫn có nhu cầu để có thể tìm đầu ra cho sản phẩm là điều may mắn với những ngành hàng trên. Doanh nghiệp trong năm mới sẽ chú ý đến những “rào cản” này để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của mình theo một phương châm phát triển bền vững: hàng hóa sạch lên ngôi.

Thùy Linh
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục