Hàng hóa “made in Vietnam”: Sự lựa chọn của nhiều thị trường lớn

0:00 / 0:00
0:00
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 cường quốc, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), đang thực thi, lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, năm 2024, Việt Nam tiếp tục hút các nhà mua hàng toàn cầu.
Dấu ấn Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu ngày càng đậm nét Dấu ấn Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu ngày càng đậm nét

Chắc chân một trong 3 trụ cột tăng trưởng

Xuất khẩu, một trong ba trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 - với mức giảm tới 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng các quý sau đó, mức giảm đã dần được thu hẹp. Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của bức tranh kinh tế và thương mại toàn cầu.

Trong gian khó, chiêu thức “năng nhặt chặt bị” được các doanh nghiệp thực hiện triệt để, theo đó, làm những mã hàng khó, kỹ thuật cao… là cách mà nhiều doanh nghiệp dệt may và giày dép áp dụng triệt để. Cùng với hỗ trợ vĩ mô, các chính sách mới được ban hành, độ suy giảm trong xuất khẩu đã từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức khoảng 4,6% trong cả năm 2023.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 được Tổng cục Thống kê công bố đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6%, trong đó xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4%, nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước.

Với kết quả như vậy, cán cân thương mại cả nước đã tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư đạt gần 28 tỷ USD, tăng hơn 2 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong nhiều năm qua của Việt Nam.

Bộ Công thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 6% so với năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư năm thứ 9 liên tục, với mức xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Các ngành hàng lớn như máy tính, điện thoại, hàng dệt may, giày dép… tiếp tục chinh phục và chớp cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc để mang ngoại tệ về cho đất nước trong năm 2024.

Mặc dù xuất khẩu suy giảm, không đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như kế hoạch đề ra đầu năm, nhưng kim ngạch 355,5 tỷ USD là kết quả “hết sức nỗ lực” của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, trong việc gỡ khó, tìm giải pháp để có đơn hàng, mang về từng đồng ngoại tệ từ xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích: “Với bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi, tổng cầu thế giới sụt giảm, thương mại xuất nhập khẩu của nước ta cũng như các nước đều chịu ảnh hưởng tiêu cực, trị giá xuất khẩu giảm so với năm 2022, nhưng so với sự sụt giảm của các quốc gia trong khu vực, xuất khẩu của nước ta cơ bản đã phục hồi tích cực hơn”. Thông tin của ông Trần Thanh Hải cho thấy, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu của Malaysia giảm 11,7%; Indonesia giảm 12,3%; Singapore giảm 10,8%...

Dù phải chịu áp lực từ lạm phát, tiêu dùng yếu, nhưng việc lọt vào danh sách một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới cho thấy, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Xác định ngành hàng và thị trường trọng điểm

Dù xuất khẩu giảm hàng tỷ USD so với năm ngoái, nhưng kết thúc năm 2023, hai ngành xuất khẩu chủ lực là máy tính, điện thoại và linh kiện đã đóng góp doanh thu 110,5 tỷ USD. Trên đà đó, hai ngành top đầu này đặt mục tiêu mang về 117 tỷ USD trong năm 2024.

Dệt may, xơ sợi, giày dép - túi xách mang về 62,5 tỷ USD, tiếp tục là ngành có dư địa tăng trưởng nhờ hội nhập sớm và khai thác ngày càng hiệu quả các FTA đã ký kết.

“Nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm dẫn dắt tăng trưởng khi chiếm tỷ trọng 85% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu; Nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây vẫn sẽ là điểm sáng trong năm 2024 do đơn hàng về nhiều”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nói.

Dấu ấn Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu ngày càng đậm nét khi có tới 53 tỷ USD sản phẩm hàng hóa của ngành nông nghiệp đã được bán ra toàn cầu.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn hiếm hoi tăng trưởng trên 11,6% đã nhập khẩu từ Việt Nam hơn 61,7 tỷ USD hàng hóa, tiếp tục mở cửa cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch trong năm tới.

Điểm tựa quan trọng là quan hệ Việt Nam với 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa được nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện, góp thêm nhiều điểm cộng cho thương mại hàng hóa. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kỳ vọng, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ là nền tảng để thương mại song phương sớm đạt kim ngạch 200 tỷ USD.

Tới thời điểm này, Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngoài 3 FTA đang được đàm phán, quan hệ chính trị được củng cố, nâng cấp với Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, tạo tiền đề để xuất khẩu rộng đường hơn.

Tuy nhiên, trước thực tế số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, doanh nghiệp Việt cần cập nhật thông tin, điều chỉnh sản xuất, giảm bất lợi trong hoạt động xuất khẩu để mạnh mẽ vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục