Chủ trương còn bỏ ngỏ
Cuối năm 2013, TTCK từng “nóng” lên với thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và NHNN thống nhất đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ chủ trương đưa các ngân hàng đại chúng lên giao dịch trên TTCK có tổ chức để tăng tính minh bạch cho hoạt động của các TCTD và kiểm soát được tỷ lệ sở hữu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, quy định DN huy động vốn từ công chúng sau 1 năm phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường có tổ chức. Nếu không tuân thủ quy định này, DN sẽ bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng, trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật. Đồng thời, pháp luật cho phép cổ đông của DN có quyền đề xuất rút lại khoản vốn đã góp vào DN.
Đến tháng 7/2014, NHNN và UBCK nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) phải lên niêm yết. Tuy nhiên, bối cảnh TTCK vẫn còn nhiều khó khăn, cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu hồi phục, thậm chí ở nhiều thời điểm, giá cổ phiếu ngân hàng giảm xuống dưới mệnh giá, nên các cơ quan chức năng chưa có quyết định cụ thể về việc bắt buộc các ngân hàng đại chúng phải lên sàn.
Nhiều ngân hàng đứng ngoài sàn niêm yết
Sau gần 1 năm NHNN đặt mục tiêu hối thúc các ngân hàng đại chúng lên niêm yết nhằm “gỡ” sở hữu chéo và tiến tới minh bạch hóa hoạt động của các thành viên trong hệ thống, tới nay, ngành ngân hàng vẫn chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lên sàn, ngoại trừ BIDV. BIDV là ngân hàng duy nhất lên niêm yết trong năm 2014.
Cụ thể, ngày 24/1/2014, BIDV chính thức niêm yết và giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán BID. Với số vốn điều lệ hơn 28.112 tỷ đồng, BID niêm yết hơn 2,811 tỷ cổ phiếu và tạo lượng hàng hóa “khủng” cho thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản của BID vẫn ở mức thấp. Ngoại trừ phiên giao dịch đầu tiên, có hơn 8 triệu đơn vị được giao dịch và lác đác vài phiên khớp đến vài ba triệu đơn vị, thì trong hầu hết các phiên giao dịch, cổ phiếu BID chỉ có thanh khoản ở mức vài trăm nghìn đơn vị. Hiện cơ cấu sở hữu tại BID gồm cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,76% vốn và các cổ đông khác sở hữu 4,24%.
Ngoài BID, cả 2 sàn chứng khoán đang có 8 ngân hàng niêm yết gồm: VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MBB, NVB. Hồi tháng 10/2013, NVB đã lên kế hoạch hủy niêm yết do thanh khoản cổ phiếu kém, bản thân NVB có nợ xấu lớn, thua lỗ trong kinh doanh… Tuy nhiên, hiện cổ phiếu này vẫn duy trì trạng thái giao dịch nhỏ giọt trên sàn HNX.
Thực tế, 1-2 năm trước, khá nhiều NHTM từng có ý định lên niêm yết, nhưng hiện vẫn chưa có chuyển động nào cho kế hoạch này. Có thể kể đến các trường hợp: Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Nam A Bank, Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… Lý do chưa lên sàn của các nhà băng này khá phong phú: bối cảnh TTCK không thuận lợi, niêm yết sẽ gây thiệt hại cho cổ đông khi thị giá cổ phiếu giao dịch ở mức thấp, hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác.
Chẳng hạn, kế hoạch niêm yết đã được HDBank trình cổ đông trong nhiều kỳ ĐHCĐ trước, song lãnh đạo HDBank cho biết, trong 2 năm qua, Ngân hàng phải thực hiện kế hoạch nhận sáp nhập DaiA Bank và mua lại Công ty Tài chính SGVF. Một số ngân hàng đại chúng khác chưa kịp thực hiện kế hoạch lên sàn đã phải sáp nhập, hợp nhất trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành như Southern Bank, DaiA Bank…
Theo thông tin từ UBCK, trong khoảng gần 1.000 công ty đại chúng, hiện có 26 ngân hàng TMCP đại chúng chưa niêm yết, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam, Kỹ thương Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Bưu điện Liên Việt, VPBank, Tiên Phong, Đông Nam Á, HDBank, Đông Á, An Bình, Quốc tế Việt Nam, Đại Dương, Phương Nam, Phát triển Mê Kông, OCB, Việt Á, Sài Gòn Công Thương, Dầu khí Toàn Cầu, Nam Á, Xăng dầu Petrolimex, Bắc Á, Bản Việt, Bảo Việt, Kiên Long, Xây dựng Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư 26/2012/TT-NHNN, để được đăng ký niêm yết cổ phiếu trên TTCK, các ngân hàng TMCP phải hội đủ 9 điều kiện, trong đó có điều kiện tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị; thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN tại thời điểm cuối quý liền kề trước quý đề nghị… Trong bối cảnh nợ xấu của các ngân hàng vẫn tăng, nhất là khi các ngân hàng phải áp dụng những quy định khắt khe hơn về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng, chủ trương đưa các ngân hàng đại chúng lên niêm yết trong năm 2015 có thể khó thành hiện thực.