Muôn kiểu lấn chiếm đất công
Ngày 29/6/2024, UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) tổ chức tháo dỡ các hạng mục, công trình tại bãi tập kết cát ở gần cuối đường biển Nguyễn Tất Thành. Có mặt tại thời điểm đó, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến, khu đất này đã bị biến thành bãi tập kết cát rất lớn. Đến trưa cùng ngày, hàng rào tôn quây bị “đánh sập”, nhưng một lượng cát “khủng” vẫn nằm án ngữ trong khu đất. Sau đó, UBND phường Hòa Hiệp Nam treo bảng: “Khu vực đất công do Nhà nước quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân không có phận sự cấm vào”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu xác nhận, bãi tập kết cát này tồn tại trên khu đất công do Nhà nước quản lý. “Chính quyền địa phương bắt buộc họ (“ông chủ” bãi tập kết cát - PV) phải bàn giao mặt bằng, khẩn trương trả lại cho Nhà nước”, ông Nhường nói.
Theo ông Nhường, nhiều năm qua, UBND quận Liên Chiểu “tạo điều kiện” cho người dân sử dụng khu đất này làm bãi chứa vật liệu tạm, để họ kiếm ít thu nhập. Bây giờ, Thành phố yêu cầu thu hồi để tổ chức đấu giá, thì địa phương thực hiện thu hồi.
Tuy nhiên, việc “xóa sổ” bãi cát nói trên được thực hiện nửa vời. Ngày 7/8/2024, khi phóng viên Báo Đầu tư quay trở lại khu vực này, thì vẫn chứng kiến bãi cát tồn tại, phương tiện xúc cát, vận chuyển cát đang hoạt động.
Không riêng bãi tập kết cát, thời gian qua, loạt khu đất công ở cuối đường Nguyễn Tất Thành (phường Hòa Hiệp Nam) còn biến thành sân bóng đá mini, hàng quán… Cách đây chưa lâu, các sân bóng đá mini bị tháo dỡ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư gửi đến cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2024 do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào ngày 6/8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng xác nhận, các lô đất dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành do Trung tâm Phát triển quỹ đất đang quản lý có 158 lô (103 lô đất tái định cư, 55 lô đất biệt thự) nằm trên phường Hòa Minh và phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
“Các lô đất bị người dân lấn chiếm, sử dụng làm hàng quán, sân bóng là 38 lô (19 lô đất tái định cư và 19 lô đất biệt thự)”, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thông tin.
Theo cơ quan này, UBND phường Hòa Minh đã có Kế hoạch số 112/KH-UBND và thông báo (ngày 1/7/2024) đề nghị các cá nhân đang sử dụng tạm lô đất do Nhà nước quản lý khẩn trương tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình, vật dụng ra khỏi lô đất trên.
UBND phường Hoà Hiệp Nam cũng đã có thông báo (ngày 28/5/2024) đề nghị các gia đình, cá nhân tháo dỡ toàn bộ công trình, như lều, kho chứa đồ, quán tạm, chái tạm ra khỏi lô đất, trả lại mặt bằng cho Nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra, các hộ đang thực hiện việc tháo dỡ.
Đối với sân bóng đá, UBND phường Hòa Hiệp Nam đã có thông báo (ngày 5/6/2024) đề nghị chủ hộ tháo dỡ công trình xây dựng trên các lô đất tại phân khu C1- Khu tái định cư Hòa Hiệp 2 ra khỏi các lô đất. Chủ hộ đã tháo dỡ, nhưng vẫn còn một số cây trụ điện và cầu môn chưa di dời.
Về việc quản lý và xử lý lấn chiếm, xây dựng trái phép đối với quỹ đất công, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết đã phối hợp với UBND các quận, huyện ban hành Quy chế phối hợp số 01/QCPH-STNMT-UBND ngày 24/4/2023 giữa cơ quan này và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý đối với khu đất trống trên địa bàn thành phố.
Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thường xuyên phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra thực tế các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép, xả thải rác thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng; đồng thời, đã thành lập Tổ công tác Kiểm tra, xử lý lấn chiếm, bảo vệ môi trường các khu đất công do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
“Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ kiểm tra, phối hợp với UBND phường Hòa Minh, phường Hòa Hiệp Nam để xử lý, tháo dỡ dứt điểm việc lấn chiếm, sử dụng đối với các lô đất do Nhà nước quản lý trong thời gian tới”, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thông tin đến phóng viên Báo Đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan này bỏ ngỏ câu hỏi “trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên thuộc về cơ quan nào”.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát lại số liệu, đề xuất và làm rõ thêm giải pháp quản lý, khai thác có hiệu quả, không để đất trống, không sử dụng, nhằm hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, trình UBND Thành phố xem xét.
Theo kế hoạch, năm 2024, Đà Nẵng sẽ đấu giá quyền sử dụng đất khu đất lớn (33 khu đất).
Cụ thể, UBND Thành phố phê duyệt giá khởi điểm 14 khu đất (trong đó có 3 khu đất làm bãi đỗ xe), Trung tâm Phát triển quỹ đất đã và đang triển khai đấu giá (đến hết ngày 26/7/2024 đã tổ chức đấu giá thành công 3 khu đất); phê duyệt phương án đấu giá, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất 3 khu đất (đang xác định giá khởi điểm đấu giá); đang triển khai các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất 16 khu đất.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang triển khai các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất ở chia lô. Trong đó, Sở Tài chính đang tổ chức xác định giá khởi điểm 59 lô đất; UBND Thành phố đã phê duyệt giá khởi điểm đấu giá 123 lô. Trung tâm Phát triển quỹ đất đang triển khai đấu giá quyền sử dụng đất.