Sáng 29/3, tại Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nằm trong chuỗi “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022 với khoảng 30 phiên tư vấn.
Theo ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các FTA song phương và đa phương như KVFTA, RCEP...Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét, và ít có sự cạnh tranh đối đầu trực tiếp
Ông cho biết, nhu cầu nhập khẩu nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến của Hàn Quốc từ thế giới hiện khá lớn, trong đó các nhà nhập khẩu nước này muốn tìm kiếm thêm các nhà cung ứng chất lượng từ Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam. Với dân số khoảng 51 triệu người, thu nhập bình quân 35.000 USD/người/năm, năm 2021 Hàn Quốc nhập khẩu 40 tỷ USD mặt hàng nông, thuỷ sản, trong khi đó thị phần mặt hàng này của Việt Nam tại Hàn Quốc khoảng 3,2%, với 3,8 tỷ USD.
Nhấn mạnh vào xu hướng tiêu dùng của Hàn Quốc hiện nay là bữa ăn gia đình, ông Tuyên phân tích: “Thực phẩm ăn liền hay thực phẩm dễ nấu, dễ ăn... có tăng trưởng mạnh, đặc biệt khi dịch Covid-19 xuất hiện người dân hạn chế ra ngoài tụ tập”.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Công thương Hưng Yên cho biết, nông sản của Hưng Yên đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc nhưng với kim ngạch còn khiêm tốn. Bên cạnh các nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như dệt may, hàng điện tử xuất khẩu nhiều sang Hàn Quốc, địa phương đang đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây tươi như nhãn, vải thiều, chuối...
Ngoài 4.000 ha nhãn, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, hầu hết được trồng theo quy trình VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.Hưng Yên hiện có vải với sản lượng trên 10.000 tấn/năm; nghệ tươi khoảng 3.000-4.000 tấn/năm; chuối khoảng 66.000 tấn/năm…
Theo đại diện các Công ty doanh nghiệp phân phối nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như: trái cây gồm trái cây tươi như chuối, xoài, thanh long và trái cây đông lạnh; rau củ quả như sả, lá dong, lá chuối, mía; các loại rau gia vị như riềng; mặt hàng thuỷ hải sản đông lạnh như mực khô, cá basa, cá lóc, cá trê… được thị trường Hàn Quốc khá ưa chuộng.
Tất nhiên, tiêu chuẩn của thị trường này với các sản phẩm nông thủy sản cũng rất khắt khe, không kém châu Âu, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty Good Farmers cho hay: Hàn Quốc không bắt buộc nhà sản xuất phải nuôi, trồng sản phẩm với tiêu chuẩn nào. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh và kháng sinh. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam bị vướng ở vấn đề này.
Tín hiệu tích cực là số vụ hàng nông, thuỷ sản thực phẩm Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập khẩu vào Hàn Quốc đã giảm khá đáng kể trong giai đoạn 2018-2021, từ 151 vụ năm 2018 xuống 52 vụ trong năm 2021.
Theo ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Công ty Vinaka, làm ăn với Hàn Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo sự đồng đều, ổn định trong các lô hàng xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng mặt hàng. Khi đã được bạn hàng tín nhiệm, việc gia tăng giá trị xuất khẩu sẽ thành hiện thực.
Điều này cũng được Bí Thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Phạm Khắc Tuyên lưu ý: “Để bán được hàng sang Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Đảm bảo được các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài”.
Đã có một số doanh nghiệp Việt xuất khẩu được các loại trái cây tươi như chuối, xoài...sang Hàn Quốc và bước đầu được thị trường này đón nhận. Riêng kim ngạch xuất khẩu chuối đạt khoảng 3 triệu USD/năm, chuối là mặt hàng Việt Nam có nhiều dư địa gia tăng thị phần tại Hàn Quốc do mỗi năm nước này nhập khẩu chuối với trị giá khoảng 300 triệu USD. Đặc biệt, chuối là sản phẩm Hàn Quốc phải nhập gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi.
Năm 2021, bất chấp tác động không thuận lợi từ đại dịch, thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và nhập khẩu đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,7% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 10,1 tỷ USD, tăng 20,3%.