Hàn Quốc mở rộng hợp tác với Đông Nam Á và Mỹ Latinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàn Quốc mới đây đã thông báo kế hoạch tiến hành hoặc khởi động các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh trong năm nay.
Hàn Quốc mở rộng hợp tác với Đông Nam Á và Mỹ Latinh

Kế hoạch này nhằm làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Hàn Quốc vào các nền kinh tế lớn.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, sau 7 tháng thực hiện các cuộc đàm phán và hoàn tất các thủ tục có liên quan, nước này dự định sẽ chính thức ký kết hiệp định FTA với Campuchia vào tháng 10. Họ nhận định rằng, hiệp định FTA này sẽ giúp các công ty Hàn Quốc đa dạng hóa dây chuyền sản xuất tại khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang chờ Quốc hội Indonesia thông qua hiệp định FTA giữa hai nước, sau khi Seoul đã hoàn tất các thủ tục liên quan vào tháng 6. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán đang diễn ra với Philippines sẽ đem lại những kết quả tích cực.

Ngoài các hiệp định thương mại tự do song phương, Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các đối tác châu Á vào năm ngoái và đang chờ hiệp định này được dự kiến phê chuẩn vào tháng 10 tới, trước khi có hiệu lực vào tháng 1/2022.

Hiệp định RCEP đã được ký kết vào tháng 11/2020, với các bên tham gia gồm ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đang trong quá trình đàm phán với Liên minh Thái Bình Dương (AP) - một khối thương mại khu vực ở Mỹ Latinh, gồm 4 nước Chile, Colombia, Peru và Mexico. Seoul muốn trở thành một thành viên liên kết của AP để có khả năng tiếp cận thương mại tự do với các thành viên khác thuộc liên minh này.

Không chỉ vậy, Hàn Quốc cũng đang đàm phán với MERCOSUR, gồm liên minh các nước Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Khối liên minh MERCOSUR chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ và 68% kinh tế khu vực này, Hàn Quốc và khối liên minh này đã khởi động quá trình đàm phán từ năm 2018.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục