Tình trạng hạn hán, nhiễm mặn hiện nay là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hiện tượng El nino. El nino đã lên tới đỉnh hơn 3,1 độ, cao hơn cả đợt El nino năm 1997 - 1998. Vì vậy, hiện tượng này còn tiếp tục gây ra hậu quả trong cả năm 2016 này.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã phối hợp với các bộ tiến hành quan trắc mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay quan trắc sớm hơn 1,5 tháng so với trung bình các năm. Hiện thứ Sáu hàng tuần, tại trang web của Trung tâm Dự báo Khí thượng thủy văn quốc gia đều cập nhật về tình hình xâm nhập mặn, tình hình hạn hán.
Về đề xuất Trung Quốc xả nước từ Hồ thủy điện Cảnh Hồng để cứu hạn ở phía hạ lưu, ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc đã có văn bản trả lời chính thức: đã bắt đầu xả nước Hồ thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3, dự kiến xả liên tục đến ngày 10/4 với lưu lượng trung bình là 2.000 m3/giây.
Lưu lượng xả này tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3 - 3,5 lần so với dòng chảy tự nhiên.
Ước tính sơ bộ ban đầu, lượng nước về đến Việt Nam, sau khi đi qua 4.000 km chiều dài sông và qua các nước cũng đang khô hạn nặng là Thái Lan, Lào và Campuchia, sẽ còn 27 - 54% so với lượng nước xả.
Thời gian để nước đi từ thượng nguồn về Việt Nam ước khoảng 2 - 3 tuần. Tức là sớm nhất 2 tuần nữa, nước từ thủy điện Cảnh Hồng mới về đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, trên dòng chính sông Mekong có 48 trạm quan trắc thủy văn, trong đó 2 trạm thủy văn ở gần thủy điện Cảnh Hồng nhằm giám sát lưu lượng nước của thủy điện Cảnh Hồng.
Tuy nhiên, dù có các biện pháp về quan trắc, giám sát nhưng Thái Lan, Lào, Campuchia đều đang trong tình trạng khô hạn khủng khiếp do tác động của El Nino. Các nước này có quyền sử dụng nước xả từ thượng nguồn Trung Quốc theo thỏa thuận của các nước thuộc Ủy hội Mekong. Vì thế, lượng nước con số cụ thể phải dựa trên kết quả quan trắc sau này. Dự kiến sớm nhất 2 tuần nữa mới có kết quả cụ thể.