Hạn hán đang đe doạ nền kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang đối mặt với thách thức lớn từ hạn hán.
Hạn hán đang đe doạ nền kinh tế Trung Quốc

Hồi mùa hè năm ngoái, Trung Quốc từng phải trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp – nông nghiệp. Năm nay, tình trạng nắng nóng khắc nghiệt đã tàn phá nhiều vùng của nước này, thậm chí còn đến sớm hơn.

Kể từ tháng 3, nhiệt độ ở hàng chục thành phố của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục theo mùa. Các đợt nắng nóng đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, với một số thành phố ở tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên phải hứng chịu nhiệt độ kỷ lục trên 40 độ C. Các quan chức lo ngại rằng hạn hán có thể tấn công lưu vực sông Dương Tử, vùng trồng lúa chính của Trung Quốc, trong những tháng tới.

Sheng Xia, trưởng bộ phận phân tích nông nghiệp tại Công ty chứng khoán Citic Securities cho biết: Thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp và mang lại nhiều bất ổn hơn cho nguồn cung lương thực và dầu mỏ.

Ông cũng cảnh báo về các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực trong năm nay do El Nino – một hiện tượng tự nhiên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương mang lại nhiệt độ ấm hơn mức trung bình.

Trong những ngày gần đây, các báo cáo về vật nuôi tại trang trại bị chết vì nhiệt độ quá nóng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Tại một trang trại ở phía Đông tỉnh Giang Tô, hàng trăm con lợn đã chết sau khi khu chuồng chăn nuôi bị mất điện đột ngột vào ban đêm.

Nắng nóng cũng được cho là nguyên nhân làm chết một số lượng lớn cá chép nuôi tại các cánh đồng ở khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây.

Các thông tin đáng lo ngại từ ngành trồng trọt và chăn nuôi đang đặt ra những thách thức lớn cho các quan chức Trung Quốc.

Hạn hán làm gia tăng nguy cơ thiếu điện cho sản xuất

Một vấn đề khác cũng đáng lo ngại không kém là nguy cơ thiếu điện cho sản xuất. Theo dữ liệu khí tượng địa phương, lượng mưa ở tỉnh Vân Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp diễn ngay cả khi khu vực này bước vào mùa mưa.

Vân Nam, nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, có 7 trong số 10 nhà máy thủy điện hàng đầu của Trung Quốc và 80% nguồn cung địa phương là từ thủy điện. Do vậy, tình trạng hạn hán dai dẳng kéo dài nhiều tháng tại địa phương sản xuất thủy điện lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc đang làm gia tăng mối lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính quyền tỉnh Vân Nam hiện đã hạn chế mức tiêu thụ điện của hơn 300 doanh nghiệp địa phương sử dụng nhiều năng lượng, chủ yếu là ngành sản xuất nhôm. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực có thể sớm lan sang các khu vực khác của Trung Quốc nếu hạn hán tiếp tục kéo dài.

Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là tỉnh Quảng Đông, nơi vừa bước vào mùa cao điểm tiêu thụ năng lượng từ tháng 6 đến tháng 8 do nhiệt độ cao tăng cao.

Một khu vực gây lo ngại khác là tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Hồi mùa hè năm 2022, hạn hán ở tỉnh này đã gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, hạn chế việc sử dụng điện của người dân địa phương và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho các tỉnh kinh tế ven biển trọng điểm như Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang. Khi đó, tình trạng thiếu điện đã khiến các doanh nghiệp lớn như Toyota và Foxconn phải tạm dừng sản xuất. Các nhà máy của Tesla và nhà sản xuất ô tô nội địa SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải, cũng rơi vào tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Citigroup cho rằng, thủy điện Trung Quốc sẽ gặp phải một thách thức lớn nữa khi kiểu thời tiết El Nino có xác suất 90% gây ra một đợt nắng nóng khác trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Các chuyên gia của ngân hàng này hiện đã hạ cấp đánh giá của Công ty điện Trường Giang Trung Quốc với dự báo tình trạng mưa ít sẽ kéo dài.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục