Hạn chế thị thực với công dân Nga: Châu Âu gặp khó vì chia rẽ

0:00 / 0:00
0:00
Nằm trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga, một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đề xuất cấm thị thực với các công dân Nga.
Phương Tây chia rẽ về đề xuất cấm thị thực Nga. Ảnh minh họa: Twitter. Phương Tây chia rẽ về đề xuất cấm thị thực Nga. Ảnh minh họa: Twitter.

Đến nay một số nước ở khu vực Baltic và Bắc Âu đã quyết định hạn chế, thậm chí cấm công dân Nga nhập cảnh, nhằm gia tăng áp lực buộc EU ban hành một lệnh hạn chế thị thực trên toàn EU với công dân Nga. Tuy vậy, vấn đề này chưa nhận được sự ủng hộ của một số thành viên chủ chốt của khối như Đức, Pháp và Hà Lan.

Điều gì khiến EU đề xuất hạn chế thị thực với Nga

Việc Phần Lan và một số nước như Estonia, Cộng hòa Séc… quyết định ngừng cấp thị thực hoặc cắt giảm gần hết số lượng thị thực cấp cho công dân Nga xuất phát từ một vài nguyên nhân. Đầu tiên, và quan trọng nhất, đó là vì cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hầu như tất cả các nước Baltic và Đông Âu, gần đây có thêm Phần Lan, đều có quan điểm cực kỳ thù địch với Nga sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Các nước này là những nước theo đuổi và thúc đẩy những chính sách cứng rắn nhất đối với Nga, với mục tiêu không che giấu là muốn trừng phạt Nga nặng nhất có thể.

Nhiều nước Baltic hay Ba Lan thậm chí từng nhiều lần kêu gọi châu Âu cắt đứt toàn bộ quan hệ chính trị-kinh tế với Nga. Vì thế, động thái ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga từ một số nước Baltic hay Đông Âu không phải là điều ngạc nhiên. Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas từng tuyên bố công khai rằng “đối với công dân Nga thì du lịch châu Âu là một đặc quyền chứ không phải là một quyền con người”. Đây là một phát ngôn có thể nói là cực kỳ nặng nề, thậm chí là có phần khiêu khích và xúc phạm đến các công dân Nga.

Về sâu xa, các nước như Estonia hay CH Séc, Phần Lan và nhiều nước khác ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine, ông Zelensky rằng châu Âu cần cấm tất cả các công dân Nga như là một cách để trừng phạt nước Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Do đó, việc ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga có thể hiểu đơn giản như là một biện pháp thù địch tiếp theo mà các nước này muốn tiến hành đối với Nga.

Một nguyên nhân khác cũng được các nước Phần Lan, Estonia nêu ra, đó là sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra cách đây 6 tháng, Liên minh châu Âu đã đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga nên công dân Nga giờ đây muốn nhập cảnh vào châu Âu buộc phải đi đường vòng hoặc đi đường bộ sang các nước lân cận như Phần Lan, Estonia rồi sau đó bay đi các nước châu Âu khác.

Chính quyền Phần Lan và Estonia cho rằng hiện nay nhiều công dân Nga có thị thực Schengen nhập cảnh vào châu Âu do các nước khác như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp cấp nhưng lại lấy Phần Lan, Estonia làm điểm trung chuyển, khiến các nước này phải gánh vác gánh nặng an ninh trong khi bản thân các nước này đã ngừng hoặc hạn chế tối đa việc cấp thị thực cho công dân Nga. Do đó, các nước này muốn tất cả các nước châu Âu khác cấm hẳn việc cấp thị thực Schengen cho các công dân Nga.

Quan điểm từ các thành viên chủ chốt như Pháp, Đức, Hà Lan

Hiện tại ngoài Phần Lan, một số nước Baltic hay Đông Âu, đa số các nước châu Âu đều phản đối việc cấm thị thực với toàn bộ công dân Nga. Quan chức các nước lớn như Đức, Pháp, hay mới nhất là đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell đều cho rằng việc cấm thị thực với toàn bộ công dân Nga không phải là một ý tưởng tốt và cũng không hiệu quả.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng châu Âu hiện nay không phải đang trong tình trạng chiến tranh với người dân Nga và cần phải tách bạch giữa chính quyền Nga với người dân Nga. Đức, Pháp cho rằng chỉ nên thực thi chính sách này có trọng tâm, trọng điểm, tức chỉ nên cấm thị thực châu Âu với nhóm nhỏ công dân Nga mà châu Âu đánh giá là có quan hệ mật thiết với chính quyền Nga, hay mang các quan điểm ủng hộ hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Một số quan chức châu Âu cũng cho rằng ngay cả Mỹ cũng không cấm thị thực với toàn bộ dân Nga mà hiện mới chỉ đưa khoảng 5.000 công dân Nga vào danh sách trừng phạt kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, do đó châu Âu cũng cần thống nhất chiến lược với phía Mỹ.

Ngoài khía cạnh này, các nước phản đối việc cấm thị thực du lịch với toàn bộ công dân Nga cũng nêu ra một luận điểm khác, đó là hiện tại vẫn đang có những người Nga phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, vẫn có những người bất đồng chính kiến với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin nên châu Âu vẫn cần phải mở cửa để tạo cơ hội cho những người này nhập cảnh vào châu Âu, để qua đó dần dần tạo được một phong trào đối lập mạnh với chính quyền Nga ở hải ngoại.

Châu Âu cũng đưa ra con số để bảo vệ luận điểm này, đó là đã có khoảng gần 300.000 người Nga rời bỏ nước Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nói cách khác là châu Âu cũng đang muốn nuôi dưỡng các lực lượng đối lập với chính quyền Nga để có thể sử dụng sau này cho việc gây sức ép và bất ổn chính trị với Nga.

EU xem xét lợi và hại trong việc cấm hoàn toàn thị thực Nga

Trong vài tháng qua, Liên minh châu Âu đã thể hiện những rạn nứt công khai trong cách tiếp cận đối với Nga. Một bên là 3 nước Baltic và các nước Đông Âu như Ba Lan, CH Séc, Slovakia, Bulgaria… luôn theo đuổi quan điểm chống Nga quyết liệt, muốn Nga phải bị trừng phạt nặng nhất, muốn châu Âu phải cắt đứt toàn bộ quan hệ với Nga, với một bên là các nước khác như Đức, Pháp, Italia và đa số các nước Tây Âu mặc dù vẫn duy trì chính sách đối đầu với Nga nhưng không muốn đẩy sự đối đầu này ra ngoài tầm kiểm soát, vẫn muốn duy trì liên lạc và đối thoại với Nga để giải quyết các thách thức trong quan hệ song phương sau này.

Các tranh cãi về việc cấm thị thực với toàn bộ công dân Nga một lần nữa thể hiện các rạn nứt và bất đồng ngày càng lớn giữa hai nhóm nước châu Âu.

Tuy nhiên, quan điểm của một số nước Baltic và Đông Âu trong vấn đề thị thực này thực sự đang ngày càng có xu hướng cực đoan, bài ngoại và chống Nga một cách mù quáng. Một số phát ngôn của một số chính trị gia Baltic và Đông Âu thời gian qua là rất khó chấp nhận.

Có thể vì vấn đề lịch sử nên quan hệ giữa các nước này với Nga có nhiều tổn thương nhưng việc các nước này thúc đẩy và theo đuổi các chính sách chống Nga mà đôi khi bất chấp các lý lẽ và luật lệ là điều rất nguy hiểm vì nó chỉ càng khiến sự đối đầu giữa Nga với phương Tây gia tăng gần hơn đến ngưỡng xung đột trực diện mà khi đó các nước Baltic, Đông Âu này sẽ là những nước phải gánh hậu quả đầu tiên.

Trong nửa năm qua, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, phương Tây thực thi một số chính sách chống Nga mà đi ngược lại hoàn toàn với những tuyên bố dân chủ, nhân quyền hay đạo đức mà các nước này vẫn rao giảng, điển hình là việc tẩy chay văn hoá Nga, cấm đoán các nghệ sỹ, các vận động viên thể thao Nga, những con người, những công dân hoàn toàn bình thường, không liên quan đến giới chức cầm quyền Nga.

Từ trước đến nay phương Tây luôn kêu gọi thể thao tách rời chính trị nhưng hiện nay lại cấm toàn bộ các đội bóng Nga, các câu lạc bộ và nhiều vận động viên Nga tham dự các giải đấu quốc tế. Đây là các hành động rất phản cảm.

Về lâu dài, khi các mối quan hệ giữa con người với con người chấm dứt thì khi đó sẽ không còn có các kênh liên lạc, không còn có sự trao đổi để hoá giải mâu thuẫn, mà chỉ còn chỗ cho sự thù địch, thù hận và xung đột.

Việc một số nước châu Âu đang tìm cách trừng phạt cả những người dân thường Nga là một động thái nguy hiểm bởi dù có đối đầu ra sao, châu Âu và Nga đã và đang tồn tại bên cạnh nhau cả ngàn năm nay và cũng sẽ không thể cắt đứt toàn bộ quan hệ trong tương lai.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục