Halcom Việt Nam: Chiến thuật “liều ăn nhiều”?

(ĐTCK) Dù việc chào bán riêng lẻ đợt 1 thành công đã giúp Công ty cổ phần Halcom Việt Nam (HID) thu về gần 245 tỷ đồng, nhưng các thành viên thị trường vẫn không khỏi thắc mắc bởi danh sách các nhà đầu tư chiến lược hầu hết là cá nhân, mà trong đó, các thành viên Ban lãnh đạo Công ty đã mua hơn 60% lượng cổ phần chào bán.  
Theo ShutterStock

Bán cho “người nhà”, giá gấp 3 lần thị giá

Trong những doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn kể từ đầu năm đến nay, phương án của Công ty Halcom Việt Nam thu hút sự chú ý bởi khối lượng phát hành tương đối lớn so với quy mô hoạt động.

Chưa kể, dù cổ phiếu HID giao dịch với giá ngang ngửa cốc trà đá, nhưng Ban lãnh đạo Công ty vẫn quyết định chào bán riêng lẻ cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gấp 3 lần so với thị giá.

Đáng nói, đợt chào bán diễn ra thành công tốt đẹp với 100% cổ phần được phân phối hết cho 15 nhà đầu tư cá nhân, thu về tổng số tiền là 245 tỷ đồng.

Trong đó, 5 cá nhân là các cán bộ chủ chốt của HID đã mua tổng cộng hơn 60% lượng cổ phần chào bán, riêng chủ tịch HĐQT HID, ông Nguyễn Quang Huân mua vào 10 triệu cổ phiếu, tương đương 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có 8 nhà đầu tư khác chấp nhận trả giá cao hơn 3 lần thị giá cổ phiếu HID trong đợt chào bán trên.

Điều này phần nào lý giải cho diễn biến bật tăng giá 22% trong vòng 1 tháng trở lại đây của cổ phiếu HID và kết thúc phiên giao dịch ngày 22/10 ở mức 3.250 đồng/cổ phiếu.

Theo HID, toàn bộ số vốn huy động từ đợt phát hành này sẽ được Công ty đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời, thông qua đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác là CTCP Phong điện miền Trung để đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Phương Mai 3, Khu kinh tế Nhơn Hội, dự án đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 923 Cần Thơ và bổ sung vốn lưu động.  

Đáng chú ý, thông tin về hiệu quả hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp mà HID sẽ đầu tư khá hiếm hoi, khiến cho việc đánh giá hiệu quả các khoản đầu tư thêm phần “bí ẩn”.

Được biết, trong chiến lược phát triển của HID, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn đợt 2 cũng thông qua hình thức chào bán riêng lẻ hơn 22,5 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 800 tỷ đồng.

Tổng khối lượng phát hành thêm là con số không hề nhỏ đối với doanh nghiệp có doanh thu khoảng 400 tỷ đồng và lợi nhuận chưa đến 20 tỷ đồng như HID.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của HID trong vài năm trước tương đối tích cực với doanh thu tăng trưởng từ 45 tỷ đồng năm 2015 lên 281 tỷ đồng năm 2016, lợi nhuận tăng tương ứng từ 10 tỷ đồng lên 31 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó là giai đoạn trước khi Công ty lên sàn HOSE vào tháng 7/2016. Sau khi niêm yết, năm 2017, HID ghi nhận doanh thu tăng 44%, đạt hơn 405 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm hơn 80% so với năm 2016, đạt hơn 6 tỷ đồng.

Theo HID, nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận này là do giá vốn và các chi phí tăng tương ứng với quy mô doanh thu, tỷ lệ giá vốn trên doanh thu lên đến 94%, trong khi trước đó khoảng 88%.

Ngoài ra, Công ty chuyển theo hướng giảm tỷ trọng của hoạt động tư vấn, giám sát, vốn mang lại nguồn thu chính. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong quý I/2018 niên độ tài chính từ 1/4/2018 đến 1/4/2019 (tức quý II/2018).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra vào cuối tháng 9, HĐQT HID đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu khá khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu dự kiến 250 tỷ đồng, giảm 62%; lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2017.

Tính đến hết quý I/2018, HID đạt doanh thu 75 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 77% so với cùng kỳ, cộng với doanh thu tài chính lao dốc khiến lãi ròng giảm mạnh hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,5 tỷ đồng. Với kết quả này, HID chỉ đạt 12,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm, dù doanh thu đã hoàn thành 30% kế hoạch. 

Mắc kẹt với chiến lược đầu tư

Theo Báo cáo thường niên năm 2017, Ban lãnh đạo HID xác định chiến lược phát triển trung và dài hạn là bên cạnh việc xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời, Công ty sẽ tiếp tục kế hoạch mua lại cổ phần của các nhà máy cấp nước mà Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn để tiến hành tái cơ cấu, đầu tư thêm máy móc tiên tiến nhằm gia tăng công suất và vận hành hiệu quả.

Tuy nhiên, sau 9 năm đầu tư lĩnh vực nước thì mới đây, vào đầu tháng 3/2018, Công ty cho biết đã thoái 60% vốn tại CTCP Nước Ninh Thuận. Trước đó, vào khoảng tháng 11/2017, HID đã thông qua chủ trương thoái 65% vốn tại CTCP Cấp nước Thuận Thành và CTCP Nước Hưng Long.

Tính đến ngày 31/3/2018, hoạt động đầu tư vào các đơn vị khác (chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực nước) của HID giảm gần 80%, xuống còn 14,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 73 tỷ đồng.

Việc thoái vốn này khiến Công ty chịu sụt giảm nguồn thu, đồng thời khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn: Vậy đâu là chiến lược cốt lõi của HID trong bối cảnh doanh thu từ hoạt động tư vấn, giám sát cho các dự án có vốn vay ODA đang gặp khó và các dự án năng lượng chưa thể đóng góp ngay vào hiệu quả kinh doanh?

Khi doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn mạnh, hiệu quả hoạt động thường không theo kịp. Nhưng đây chỉ là diễn biến nhất thời và trong trung – dài hạn, kết quả hoạt động sẽ trở nên tích cực hơn. Tuy nhiên, trước mắt, HID đang mắc kẹt trong chiến lược đầu tư của mình.

Bên cạnh đó, đáng chú ý, trong các nội dung thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của HID, có 2 nội dung là việc cho phép HĐQT thực hiện các giao dịch với công ty, cá nhân, tổ chức có liên quan và đồng thời ủy quyền cho HĐQT có quyền quyết định trong các vấn đề phát sinh liên quan, kể cả những vấn đề buộc phải thông qua Đại hội đồng cổ đông.

Theo các chuyên gia, yếu tố này có thể gây bất lợi với các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ của HID. Do đó, nhà đầu tư nếu muốn gắn bó với cổ phiếu HID cần xem xét kỹ phương án tăng vốn và quyền lợi của mình.

Ngọc Phàm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục