Hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lao động cao gấp 20 lần cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Tổng số lao động đi làm việc nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2023 là hơn 28 nghìn người, gấp 20 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Đài Loan đang dẫn đầu.
Hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lao động cao gấp 20 lần cùng kỳ

Cục Quản lý lao động cho biết, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2/2023 là 6.601 lao động (2.626 lao động nữ), bằng hơn 13 lần (1.320%) so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 02 năm 2022 là 500 lao động, trong đó 43 lao động nữ).

Nhật Bản vẫn là thị trường dẫn đầu với 3.470 lao động được tiếp nhận (1.618 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan: 2.690 lao động (955 lao động nữ), Singapore: 141 lao động nam, Hàn Quốc: 81 lao động nam, Trung Quốc: 69 lao động nam, Hồng kông: 38 lao động nam, Rumani: 37 lao động (04 lao động nữ), Hungari: 35 lao động (24 lao động nữ), và các thị trường khác.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 28.429 lao động (9.452 lao động nữ) đạt 25,84% kế hoạch năm 2023, bằng hơn 20 lần (2.091%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó thị trường: Đài Loan: 14.609 lao động (4.718 lao động nữ), Nhật Bản: 12.473 lao động (4.580 lao động nữ), Singapore: 250 lao động nam, Trung Quốc: 239 lao động nam, Hàn Quốc: 230 lao động nam, Rumani: 198 lao động (29 lao động nữ), Hồng kông: 123 lao động nam, Hungari: 80 lao động (40 lao động nữ) và các thị trường khác.

Năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động (48.835 nữ), đạt 158,64 % kế hoạch được giao (90.000 lao động). Trong năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Năm nay, thị trường Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng hơn 12.000 lao động Việt Nam ở các ngành như sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp; ngư nghiệp... Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc

Từ tháng 01/2023 Hàn Quốc đã chính thức giảm điều kiện hồ sơ trong thủ tục cấp visa, bỏ giấy chứng nhận kinh nghiệm tại hồ sơ cấp thị thực E7 cho lao động ngành đóng tàu, theo đó “người lao động đỗ kỳ kiểm tra tay nghề được tổ chức bởi một đơn vị do Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc chỉ định và có chứng chỉ nghề hàn trung cấp trở lên (FCAW, GMAW, GTAW) áp dụng theo các tiêu chuẩn như AWS hoặc chứng chỉ hàn được quốc tế công nhận” thì không phải nộp Giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc (bao gồm sổ đóng bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động).

Bộ Tư pháp Hàn Quốc tăng số lượng cán bộ chuyên trách trong việc thẩm tra cấp thị thực cho 05 văn phòng quản lý xuất nhập cảnh khu vực (Busan, Ulsan, Changwon, Geoje, Mokpo) và thực hiện thẩm tra nhanh với mục tiêu rút ngắn thời gian thẩm tra visa từ 5 tuần hiện nay xuống còn 10 ngày.

Bộ Thương mại - Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) giảm tổng thời gian cấp giấy phép giới thiệu tuyển dụng tạm thời (KOSHIPA cấp) và giấy giới thiệu tuyển dụng (MOTIE cấp) từ 10 ngày hiện nay xuống còn trong vòng 5 ngày.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục