Nhìn ở góc độ phân tích kỹ thuật: lạc quan và bi quan thái quá
Cách đây hơn 10 phiên giao dịch, nhiều NĐT còn tỏ ra chán nản và lo lắng, thậm chí còn bi quan đến mức đề cập đến việc VN-Index sẽ về 300 điểm, 250 điểm trong khi chỉ số này vẫn còn chưa xuống dưới 350 điểm và đang ở xung quanh mức hỗ trợ dài hạn, được tạo bởi đường xu hướng nối hai đáy của VN-Index trong năm 2003 và 2005 (xem đồ thị). Đặc biệt là sau bẫy tăng giá (bull trap) vừa diễn ra không lâu, tâm lý nhiều người thật sự rất xấu. Tuy nhiên, chỉ sau vài phiên tăng điểm, người ta đã lạc quan trở lại, nhiều người lạc quan quá mức khi đề cập VN-Index sẽ đạt 500 điểm, 600 điểm và cho rằng, xu thế tăng dài hạn đang trở lại.
Trong khi đó, đồ thị tháng của VN-Index chưa có tín hiệu cho thấy, thị trường sẽ tăng giá mạnh trở lại trong dài hạn. Nhìn ở khía cạnh phân tích kỹ thuật, trong cả đợt giảm giá dài thời gian qua và đợt tăng giá 10 phiên hiện nay (từ ngày 23/6 đến ngày 4/7), khi VN-Index chưa giảm xuống hay tăng lên qua khỏi những mức cản kỹ thuật quan trọng thì NĐT đã vội nghĩ đến những điều cực xấu hay rất tốt. Phải chăng, các NĐT hiện nay đang chuyển biến từ trạng thái bi quan thái quá sang trạng thái phấn khởi phi lý?
|
Nhìn ở góc độ phân tích cơ bản: sự giằng co tâm lý
Sự giằng co giữa trạng thái tâm lý lạc quan và bi quan thái quá cũng thấp thoáng ở cách nhìn của các NĐT và nhà phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô và kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Nhiều người sau vài tin tốt về tình hình vĩ mô, nhất là tin lạm phát "giảm" (thực tế là vẫn tăng, nhưng tăng chậm hơn tháng trước) và thâm hụt thương mại lạc quan hơn thì tỏ ra tin tưởng mạnh mẽ về trạng thái tương lai của thị trường. Ngược lại, không ít người vẫn lo ngại về những khoản lỗ lớn bất ngờ sẽ được công bố trong báo cáo kinh doanh quý II/2008 của các công ty niêm yết.
Có thể hiểu, khi liên tục bị "tấn công" bởi những tin xấu về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là từ phân tích của một số báo cáo nước ngoài và đợt "sốc" tỷ giá, NĐT đã bị đè nén quá mức, rơi vào trạng thái bức bối. "Tức nước vỡ bờ", khi thị trường xuất hiện một số tin tốt về phía vĩ mô và một số đánh giá lạc quan hơn về nền kinh tế, TTCK đã đảo chiều mạnh mẽ, đặc biệt là các blue-chip được hỗ trợ từ một số NĐT chiến lược đã có thể chống đỡ được tình hình giải chấp ào ạt. Khi vấn đề giải chấp được tạm thời giải quyết nhờ lực thị trường này, TTCK được hỗ trợ mạnh và đi lên. Vì vậy, NĐT có cơ sở để lạc quan ngắn hạn và đẩy thị trường ra khỏi mức giá mà người ta cho là quá rẻ.
Tuy nhiên, khi thị trường nhích lên được vài phiên và tâm lý NĐT đã "khỏe khoắn" hơn, người ta lại bắt đầu lạc quan nhiều và đề cập rằng, suy thoái đã đi qua và đón đầu cơ hội tăng giá dài hạn hậu suy thoái. Nhớ lại chuyện của Mỹ, cách đây hơn 1 tháng, nhiều NĐT ở Mỹ cho rằng, khó khăn của thị trường nhà đất Mỹ đã đi qua, tình hình kinh tế sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, TTCK Mỹ, châu Âu lại nhuốm màu đỏ và kéo dài liên tục đến nay, vì tình hình kinh tế vẫn chưa thực sự được cải thiện, khoản lỗ của nhiều công ty tiếp tục được công bố và tin kinh tế vĩ mô vẫn biểu hiện một gam màu xám. Các NĐT đã lạc quan quá sớm đối với tình hình kinh tế Mỹ. Điều này cũng có thể đúng cho tình hình hiện nay của Việt Nam.
Hiện nhiều DN đang trong tình trạng khó vay vốn hoặc phải vay vốn với lãi suất quá cao. Đây là một thực tế rất nan giải, có thể dẫn đến đình đốn và thất nghiệp. Với tình hình khó khăn từ đầu năm, những tác động xấu đến các DN niêm yết, trong đó có ngân hàng (với các khoản cho vay bất động sản) có thể sẽ được thể hiện trong báo cáo quý II/2008 sắp được công bố, nhưng sẽ rõ ràng hơn từ quý III/2008 trở đi (rõ nhất là quý IV/2008). Khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì hàn thử biểu của nền kinh tế là TTCK liệu có thể tăng mạnh?
Cần thận trọng và biết chấp nhận
Hiện tại, những thái cực bi quan thái quá và lạc quan thái quá trong tâm lý NĐT đang chi phối đường đi của TTCK. Điều mà NĐT cần làm lúc này là trở nên cân bằng hơn trong tâm lý và trong nhận định. Tình hình kinh tế vĩ mô cần có thời gian để cải thiện, nhưng tình hình kinh doanh của DN cũng không đến nỗi "bi kịch" như không ít người lo ngại. Vì vậy, cần thận trọng và biết chấp nhận mình có thể sai lầm khi đón nhận những tin sắp tới.
Về khía cạnh phân tích kỹ thuật, trên đồ thị tháng, chỉ số ADX đang giảm xuống dưới 40 chỉ ra rằng, TTCK trong một vài tháng tới có thể không tăng hay giảm mạnh, mà sẽ đi ngang như giai đoạn 2002 - 2004 (chỉ số ADX giai đoạn này cũng thấp như hiện nay).