Trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index đã không còn giữ được đà hưng phấn khi biên độ dao động của thị trường khá hẹp trong cả ngày giao dịch.
Một số công ty chứng khoán cho rằng, phiên hôm qua tuy chỉ số chính có sụt giảm, nhưng những tín hiệu tích cực từ dòng tiền (thanh khoản cao nhất kể từ phiên 1/9) cùng với đó là các chỉ báo kỹ thuật cũng chỉ ra VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng.
Theo đó, các chỉ báo xung lượng như RSI, Stochastic đang dao động trên khu vực quá mua. Những tín hiệu này sẽ góp phần hỗ trợ cho xu hướng tăng trong các phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, theo FPTS, trên đồ thị Intraday M5 cho thấy cứ mỗi khi chỉ số tiếp cận ngưỡng 830 điểm thì lực bán mạnh lại xuất hiện. Chịu “thiệt thòi” lớn nhất là nhóm ngành thép và ngân hàng.
Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III cũng đã bắt đầu. Tuy chưa có “dấu hiệu xấu” nào, nhưng nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sớm cũng ghi nhận sự chững lại đà tăng trưởng so với các quý trước đó.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (19/10), VN-Index tiếp tục thử sức với ngưỡng cản 830 điểm, nhưng một lần nữa chỉ số này lại thất bại và bị đẩy lùi xuống dưới tham chiếu.
Tuy nhiên, sau khi về sát ngưỡng 825 điểm, lực cầu gia tăng, kéo VN-Index tăng vọt trở lại và vượt hẳn qua ngưỡng 830 điểm khi chốt phiên sáng nay.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã giảm/128 mã tăng, VN-Index tăng 3,54 điểm (+0,43%) lên 831,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 90,77 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.288,83 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6 triệu đơn vị, giá trị hơn 104,13 tỷ đồng.
Tâm điểm chú ý trong phiên sáng nay là các cổ phiếu "họ FLC" dậy sóng, đặc biệt là ROS và HAI.
Cụ thể, HAI sau khi bị đẩy xuống mức sàn 10.400 đồng lúc đầu phiên đã nhận được lực cầu bắt đáy mạnh, kéo mã này hồi phục trở lại lên thẳng mức giá trần 11.900 đồng với hơn 14,3 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE. Như vậy, chuỗi giảm sàn liên tiếp của HAI chỉ dừng lại ở 2 phiên.
ROS sau thời gian lình xình đầu phiên, cũng bất ngờ nhận được lực cầu lớn để có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Chốt phiên, ROS tăng kịch trần 6,93% lên 123.500 đồng/cổ phiếu và khớp 4,32 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản. Với những cố phiếu có thị giá lớn như ROS, việc tăng trần liên tiếp với lực cầu lớn là khá hiếm hoi.
FLC dù không nổi sóng, nhưng cũng tăng 1,7% và khớp hơn 4,52 triệu đơn vị, đứng thứ 2 thanh khoản.
"Người anh em còn lại" là AMD cũng tăng 1,9%, nhưng chỉ có hơn 360.000 đơn vị khớp lệnh.
Các mã thị trường khác cũng có được sắc xanh là HQC, HHS, IDI, FIT, SCR, TSC, SHI, HAR...
Trong đó, HAR cũng đột biến, tăng trần lên 12.500 đồng/cổ phiếu và khớp gần 500.000 đơn vị.
HHS cũng có phiên thứ 5 tăng liên tiếp, cộng thêm 1,1% và khớp hơn 720.000 đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các mã tăng điểm gấp đôi số mã giảm (18 so với 9). Trong đó, ngoài ROS, còn có DHG tăng 3,4%, BMP tăng 3,1%, MWG tăng 1,8%, GAS tăng 1,6%, FPT tăng 1%, NVL tăng 0,6%.... Một số mã khác cũng đảo chiều tăng thành công có GMD, PVD, STB, VIC, CTG, KBC.
Trong đó KBC hôm nay có hơn 2,9 triệu đơn vị được khớp, tăng 0,4% và đáng chú ý bị khối ngoại bán mạnh nhất sàn với hơn 3 triệu cổ phiếu.
Một số mã khác trong rổ VN30 lại đảo chiều, nhưng may mắn đã giữ được tham chiếu như MSN, SAB và VCB.
Đáng tiếc nhất là MBB, dù lực cầu khá mạnh, nhưng đóng cửa giảm 0,9% và khớp hơn 3,3 triệu đơn vị.
Một mã ngân hàng khác là BID cũng giảm 0,7% và khớp hơn 1,56 triệu đơn vị.
Cặp đôi HSG và HPG có số phận trái ngược, trong khi HSG sau 6 phiên giảm, đã tăng trở lại 0,5% và khớp gần 1,17 triệu đơn vị, thì HPG lại giảm 0,8% và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, với đà giảm của ACB, HNX-Index không thể có được sắc xanh như VN-Index.
Chốt phiên sáng, với 57 mã giảm và 64 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,12%) xuống 109,29 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 27,34 triệu đơn vị, giá trị 327,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ hơn 500.000 đơn vị, giá trị hơn 13,56 tỷ đồng.
ACB đóng cửa giảm nhẹ 0,6%, xuống 32.700 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
SHB vẫn tiếp tục đứng tham chiếu ở 8.200 đồng và khớp lệnh đứng ngay sau KLF với 2,24 triệu đơn vị.
Đứng tham chiếu và có thanh khoản tốt cùng SHB còn có PVS 1,35 triệu đơn vị, PVX gần 800.000 đơn vị, SHN hơn 700.000 đơn vị…
Tuy nhiên, cũng giống với "các anh em" trên sàn HOSE, KLF cũng gây chú ý trên sàn HNX. Cổ phiếu này đã có lúc tăng lên kịch trần, nhưng kết phiên hãm bớt, tăng tổng cộng 7,3% lên 4.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh dẫn đầu với gần 7,8 triệu đơn vị.
HKB không thể thoát giá sàn, giảm 7,4% xuống 2.500 đồng/cổ phiếu và khớp 1,23 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sau khi lình xình đầu phiên, chỉ số UPCoM-Index đã tăng vọt vào cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,45%) lên 54,48 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,53 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 76,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ gần 250.000 đơn vị, giá trị 19,33 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, diễn biến không có nhiều thay đổi, khi LPB, HVN, DDV, ART vẫn chìm trong sắc đỏ. Trong đó, LPB có hơn 1,27 triệu đơn vị được khớp, các mã khác trên dưới 500.000 đơn vị. Chỉ duy nhất có DVN tăng 2,5% lên 16.500 đồng/cổ phiếu.