Hai quỹ mở sẽ IPO trong tháng 1/2013

(ĐTCK) Quỹ đầu tư Bảo thịnh Vinawealth (VFF) và Quỹ đầu tư trái phiếu MBCapital Việt Nam (MBBF) sẽ chào bán chứng chỉ quỹ mở trong tháng 1/2013.
Hai quỹ mở sẽ IPO trong tháng 1/2013

Ông Sebastian Subba cho biết, VFF sẽ thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) từ ngày 2/1/2013. Ngoài ra, VFF đang lên kế hoạch khai trương hai quỹ mở khác trong quý I/2013, trong đó có một quỹ đầu tư cổ phiếu và một quỹ đầu tư cân bằng. Đối với MBBF, ông Ngô Long Giang, Giám đốc Đầu tư MBBF chia sẻ, thời điểm Quỹ thực hiện IPO chưa được xác định cụ thể, nhưng sẽ tiến hành trong tháng 1/2013.

Theo quy định, các quỹ có tối thiểu 20 ngày và tối đa 90 ngày để thực hiện IPO quỹ mở sau khi nhận được giấy phép chào bán (VFF và MBBF lần lượt được cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ vào ngày 13/12 và 14/12) - thời gian để cho các quỹ thực hiện một loạt công việc như lập hồ sơ thông tin về quỹ, thông báo ra công chúng, tổ chức họp báo và tổ chức roadshow giới thiệu tới NĐT…

Sau khi bắt đầu chào bán chứng chỉ quỹ, quỹ sẽ có tối đa 90 ngày kể từ ngày bắt đầu IPO để hoàn thành đợt chào bán. Trong thời gian này, quỹ phải gọi được tối thiểu 50 tỷ đồng đầu tư vào quỹ thì mới được cấp phép chính thức thành lập quỹ.

Chia sẻ về việc không cần dùng đến một nửa số thời gian 90 ngày nêu trên để IPO, dù khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn và phải “dò đường” khi là những đơn vị đầu tiên thành lập quỹ mở, đại diện của cả VFF và MBBF đều cho biết, hai quỹ đã nhận được cam kết đầu tư của các đối tác và khách hàng tin cậy, nên tin tưởng đợt IPO sẽ thành công.

“Chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được số vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với số vốn tối thiểu theo quy định”, ông Subba nói cho biết, tới thời điểm này, VFF đã nhận được sự quan tâm “rất đáng khích lệ” từ phía NĐT, bao gồm cả các khách hàng nước ngoài.

Trong khi đó, ông Giang cho hay, tổng giá trị các cam kết đầu tư từ phía đối tác vào MBBF tới nay đã vượt 50 tỷ đồng, trong đó có cam kết từ phía đối tác Nhật Bản lâu năm là Quỹ đầu tư United Investments. MBBF và United Investments thậm chí đã thỏa thuận xong về số tiền đầu tư ban đầu mà đối tác này sẽ rót vào MBBF.

Sự khẩn trương thành lập quỹ của MBBF và VFF nhanh hơn khá nhiều so với mong đợi của thị trường, khi mà nhiều ý kiến trong giới tài chính hiện vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng quỹ mở có thể sớm vận hành trôi chảy trong nửa đầu năm 2013, trong bối cảnh TTCK vẫn đang rất khó khăn, khiến NĐT có xu hướng bán ra nhiều hơn là đầu tư. Trong khi đó, cơ chế thuế mới khuyến khích NĐT tổ chức vẫn chưa được Bộ Tài chính thông qua, thời hạn cụ thể cho cơ chế thuế mới cũng chưa có, khiến không ít quỹ gặp khó khăn trong việc thuyết phục NĐT rót tiền vào quỹ.

Một khó khăn khác là văn hóa đầu tư non trẻ của TTCK Việt Nam vẫn đang là rào cản lớn với các NĐT tổ chức. Ông Subba cho biết, việc đào tạo thị trường để nâng cao nhận thức của công chúng đối với loại hình đầu tư mới này là một trong những điểm khó khăn và bất lợi lớn nhất mà VFF đang phải đối mặt trong quá trình thành lập quỹ mở.

“Việt Nam có một thị trường vốn trẻ và đơn sơ, việc trở thành quỹ đầu tư lợi tức cố định dạng mở đầu tiên ở Việt Nam sẽ đòi hỏi rất nhiều công việc phổ cập và đào tạo thị trường. Tuy nhiên, VFF cam kết sẽ dành thời gian và nỗ lực để đem loại hình sản phẩm đầu tư mới này tới cho các NĐT”, ông Subba nói.

Chính những lo ngại này đã khiến không ít tên tuổi lớn trong ngành quản lý quỹ phải trì hoãn kế hoạch thành lập quỹ mở của mình, mặc dù khung pháp lý đã được hoàn tất từ đầu năm 2012 và hoạt động của các quỹ đóng dường như ngày càng bế tắc. Nhiều công ty quản lý quỹ lớn như Eastspring Investments, Manulife hay SSIAM từng đánh tiếng từ hồi đầu năm 2011 về việc sẽ thành lập quỹ mở ngay khi khung pháp lý được thông qua, nhưng những thay đổi đột ngột của thị trường đã khiến những ý định này chưa được triển khai.

Với đặc thù cả VFF và MBBF đều đầu tư vào kênh đầu tư lợi tức cố định, đại diện của hai quỹ chia sẻ rằng, họ kỳ vọng vào sức hấp dẫn của kênh đầu tư này trong năm 2013 nhờ vào hai yếu tố: lạm phát tại Việt Nam đã được kiềm chế khá tốt; trong khi đó, lượng tiền nhàn rỗi tại các ngân hàng vẫn rất lớn, do đầu ra tín dụng chưa được khơi thông.

Lạc quan hơn nữa, ông Subba cho rằng, quỹ mở “chắc chắn sẽ là một xu hướng mới trong năm 2013, bởi nó đem đến cho NĐT tính linh hoạt rất lớn”.

Quang Minh
Quang Minh

Tin cùng chuyên mục