Hải Phòng tạo sức hút mạnh với nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Dòng vốn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc luôn được đánh giá có chất lượng và giá trị cao. Hải Phòng đã và đang tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các dòng vốn này.
Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 7,24 tỷ USD vào KCN Tràng Duệ, TP. Hải Phòng ảnh: Đức Thanh Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 7,24 tỷ USD vào KCN Tràng Duệ, TP. Hải Phòng ảnh: Đức Thanh

Vị trí dẫn đầu thuộc về Hàn Quốc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư trong tổng số 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Hải Phòng. Trong số 839 dự án đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 23,984 tỷ USD, có 173 dự án đến từ Hàn Quốc, với vốn đăng ký 9,65 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng số dự án.

Dấu ấn đầu tư của Hàn Quốc tại Hải Phòng là tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG, với 3 dự án đầu tư thuộc top 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam: LG Display, LG Electronics, LG Innotek, tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD, đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ. Tổ hợp này đã tạo ra gần 25.000 việc làm cho người lao động, doanh thu trong năm 2021 ước đạt 14,5 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 95 triệu USD.

Tại Hội nghị Kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra ngày 16/8 năm nay, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, thời gian tới, Thành phố ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có đóng góp ngân sách lớn, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị… và các nhà đầu tư Hàn Quốc là một trong những lựa chọn hàng đầu của Thành phố.

Với sự phát triển của ngành công nghiệp Hải Phòng, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tăng năng lực cạnh tranh của mình thông qua việc chủ động nguồn nguyên, vật liệu trong nước, giảm chi phí, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Qua đó lan tỏa, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp tăng năng lực sản xuất và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Ông Nam Han Yong, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH LG Display Hàn Quốc đánh giá: “Hiện nay, so với các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, thì Hải Phòng là một trong những địa phương đang hỗ trợ rất tích cực và có nguồn nhân lực được đào tạo rất dồi dào. Vì vậy, các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn LG đang có kế hoạch tiến sang đây”.

Trước đó, theo thông tin từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022 với chủ đề “Hải Phòng - Điểm đến thành công”, có khoảng 20 nhà đầu tư Hàn Quốc đang muốn đầu tư khoảng 2 - 4 tỷ USD vào Hải Phòng.

Dòng vốn Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở góc độ địa phương, Hải Phòng đang nổi lên là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Với việc chú trọng phát triển mô hình KCN chuyên biệt, KCN phụ trợ, nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao, Hải Phòng đang được các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm.

Trong số các dự án FDI Nhật Bản vào Hải Phòng, phải kể đến 2 dự án lớn nhất của Bridgestone và Nipro Pharma Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều thương hiệu khác như Zeon, Nishina, Fuji Xerox…

Công ty Tamada Việt Nam đã bắt đầu triển khai đầu tư nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tại KCN DEEP C từ năm 2015. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Ông Noboru Iwakaji, Giám đốc Công ty TNHH Tamada Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đầu tư vào Hải Phòng và đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như của UBND TP. Hải Phòng. Một trong những lý do khiến Tamada quyết định đầu tư vào đây là sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của địa phương và người lao động rất chăm chỉ. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, sản phẩm bồn chứa xăng dầu 2 lớp của Tamada sẽ được phổ biến sản xuất và phân phối rộng rãi ở thị trường Việt Nam”.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) cho biết, hiện nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo máy, sản xuất các sản phẩm kim loại, trang thiết bị và dụng cụ y tế, phụ kiện sản phẩm viễn thông, điện tử; thiết bị thủy lực cho máy xây dựng và các loại xe công nghiệp. Lũy kế đến nay, Hải Phòng đã thu hút được 146 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản và Nhật Bản đang là quốc gia đứng thứ 2 về quy mô vốn đầu tư tại Hải Phòng với hơn 3,24 tỷ USD.

Để tiếp tục nâng cao quy mô và chất lượng dòng vốn Nhật Bản vào Hải Phòng, theo Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia tư vấn đầu tư hàng đầu của Nhật Bản, địa phương cần xây dựng những KCN có hạ tầng tốt, có nhà xưởng sẵn để cho thuê, đảm bảo điều kiện sống tốt, dịch vụ một cửa bằng tiếng Nhật, thủ tục khai báo hải quan tại chỗ và kho hàng trong KCN… Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy, có tới 70% số doanh nghiệp được hỏi cho biết muốn đầu tư tại các KCN chuyên biệt dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản. Trên thực tế, nhà đầu tư Nhật Bản vào Hải Phòng cũng đang tập trung chủ yếu tại KCN Nomura và một số KCN khác như DEEP C, VSIP Hải Phòng.

Xuất phát từ nhu cầu đầu tư theo nhóm của nhà đầu tư Nhật Bản, Tập đoàn Kajima mới đây đã triển khai Dự án Core5 Hải Phòng tại KCN DEEP C 2 Hải Phòng. Dự kiến, vào đầu quý II năm 2023, nhà xưởng, nhà kho đầu tiên của Dự án Core5 Hải Phòng sẽ sẵn sàng bàn giao cho khách hàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, chất lượng vốn (có hàm lượng công nghệ cao) cũng như cơ cấu đầu tư của Nhật Bản (86% tập trung vào công nghiệp chế tạo, chế biến) rất phù hợp với định hướng thu hút FDI của Việt Nam; tạo ra tác động lan tỏa sâu rộng đối với nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia trong khu vực (điển hình là Thái Lan) đã và đang tìm cách đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản để kéo dòng vốn này. Đây cũng là một trong những lý do mà Hải Phòng rất quan tâm, chú trọng thu hút dòng vốn từ Nhật Bản.

Một trong những dấu hiệu cho thấy dòng vốn từ Nhật Bản vào Hải Phòng sẽ tiếp tục gia tăng chính là sự hiện diện của các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, thương mại tại đây. Những dự án này, ngoài phục vụ nhu cầu thị trường nội địa, còn phục vụ nhu cầu lưu trú, mua sắm của chính người Nhật Bản khi đến Hải Phòng làm việc theo các dự án của họ. Trong đó, có thể kể đến Khách sạn Nikko Hải Phòng do Công ty TNHH Chuo Việt Nam làm chủ đầu tư; Chung cư cao cấp The

Minato do Fujitar thuộc Tập đoàn Daiwwa House đầu tư, đồng thời là tổng thầu; Trung tâm thương mại AEON Mall.

Thời điểm đầu năm 2022, Nikkei Asia đưa tin, một liên doanh giữa hai doanh nghiệp điện lực lớn của Nhật Bản sẽ tham gia xây dựng một trong những nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á tại Hải Phòng, với công suất tối đa 4,5 GW - công suất lớn hàng đầu Đông Nam Á. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động với quy mô 2 GW vào năm 2026.

Sẵn sàng chào đón nhà đầu tư

Hải Phòng có lợi thế nổi trội về giao thông với đủ 5 loại hình giao thông và có cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc. Trong đó, có đường bay thẳng tới sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc); có nhiều hãng hàng không đang khai thác đường bay từ Hải Phòng đến 5 thành phố tại Nhật Bản (Osaka, Tokyo, Nagoya, Fukuoka, Sapporo), rất thuận tiện cho việc giao thương. Bên cạnh đó, Thành phố hiện có 14 KCN đang hoạt động. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển và mở rộng thêm 15 KCN với tổng diện tích 6.148 ha. Theo kế hoạch, quý IV/2022, KCN Tràng Duệ 3 sẽ chính thức được đưa vào khai thác.

“Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đến tìm hiểu, đầu tư tại Hải Phòng”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như những doanh nghiệp FDI khác, Hải Phòng đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, thế mạnh và tiềm năng trong lĩnh vực logistics. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển các KCN mới; ủng hộ và phát triển kinh tế tuần hoàn, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo theo xu hướng hiện đại và bền vững như năng lượng mặt trời, điện gió...

Lê Thu
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục