Cụ thể, vào ngày 29/9, CTCP Xăng dầu và dịch vụ Hàng hải STS đã mua 2.774.178 cổ phiếu SFC, qua đó nắm giữ 24,56% vốn của SFC. Trước đó STS chưa nắm giữ cổ phiếu SFC nào.
Cùng ngày, bà Trần Thị Thu Phương cũng đã mua vào 2,774 triệu SFC và nâng sở hữu lên thành 2.794.660 cổ phiếu, chiếm 24,75% vốn của SFC.
Với sở hữu như hiện tại, STS và cá nhân bà Phương đã chính thức trở thành cổ đông lớn của SFC kể từ ngày 29/9/2014.
Trước đó, một cổ đông lớn của SFC là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thông báo thoái xong toàn bộ 49,13% vốn khỏi SFC, tương ứng bán hết 5.548.178 cổ phiếu SFC đang nắm giữ. Số cổ phiếu này đúng bằng tổng số cổ phiếu mà STS và bà Phương đã mua vào. Được biết, giao dịch thực hiện theo hình thức thỏa thuận và PNJ đã thu về gần 172 tỷ đồng.
Nếu tính theo giá cổ phiếu SFC khi chốt phiên 29/9 là 27.100 đồng/cổ phiếu thì giá trị số cổ phiếu trên chỉ là hơn 150 tỷ đồng. Phiên này, giá cổ phiếu SFC đã giảm sàn 2.000 đồng (-6,9%), sau khi đã tăng trần 5 phiên liên tục trước đó.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay 30/9, cổ phiếu SFC tiếp tục giảm mạnh 1.200 đồng (-4,4%) xuống còn 25.900 đồng/cổ phiếu.
Biểu đồ giá, KLGD của cổ phiếu SFC trong 1 tháng qua. Nguồn: HOSE