Hai khái niệm kinh tế tưởng chừng như cơ bản, nhưng tỷ phú Richard Branson phải đến năm 50 tuổi mới có thể phân biệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Richard Branson đã không thể phân biệt nổi hai khái niệm kinh tế cơ bản trong nhiều năm trời. Phải đến khi một cấp dưới bổ túc, ông mới phân nắm được.
Tỷ phú Richard Branson khi được vinh danh tại Đại lộ Danh vọng ở HollyWood. Tỷ phú Richard Branson khi được vinh danh tại Đại lộ Danh vọng ở HollyWood.

Tỷ phú Richard Branson là người duy nhất đã xây dựng 8 công ty tỷ đô từ con số 0 ở 8 quốc gia. Giống như nhiều doanh nhân khác, Branson khởi nghiệp khi chưa từng thông qua một khóa học về kinh doanh chính thức.

Sau quãng thời gian vật lộn với trường lớp, liên tục đạt thành tích kém trong học tập do mắc chứng bệnh khó đọc bẩm sinh, Branson đã quyết định bỏ học năm 16 tuổi để tạo lập Virgin Records - công ty kinh doanh đầu tiên hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc rồi dần dần lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác khiến ông trở thành tỷ phú.

Sự nhanh nhạy và tầm nhìn là hai yếu tố quan trọng cấu thành nên sự thành công của ông. Quá trình kinh doanh, điều hành doanh nghiệp đã cho Branson nhiều bài học cũng như kinh nghiệm trên thương trường. Mặc dù thành công từ sớm, nhưng vẫn có những khái niệm cơ bản mà hầu như người được qua trường lớp về kinh tế đều thuộc lòng vẫn khiến Branson gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt.

Trong một biểu diễn thuyết trên chương trình TED talk, vị tỷ phú đã tiết lộ: "Đã có thời điểm, tôi là người đứng đầu một nhóm các công ty tư nhân lớn nhất ở châu Âu, nhưng lại không thể phân biệt được giữa lợi nhuận gộp (gross profit) và lợi nhuận ròng (net profit). Chính vì sự thiếu hiểu biết, nhầm lẫn giữa hai khái niệm của tôi đã dẫn đến nhiều tình huống 'dở khóc dở cười' trong các cuộc họp Hội đồng quản trị".

Lợi nhuận ròng hay còn gọi là lợi nhuận sau thuế. Đây là khoản tiền còn sau khi đã trừ đi các khoản chi phí vận hành để tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp. Trong đó, bao gồm cả các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng cho cơ quan chức năng.

Lợi nhuận gộp, còn được gọi là tổng thu nhập hoặc thu nhập trước thuế, bằng doanh thu của một công ty trừ đi giá vốn hàng bán.

Bí mật này đã được Branson giấu kín trong nhiều năm và chỉ được nói ra lần đầu tiên khi ông tham gia chương trình phỏng vấn với tờ Financial Times với câu hỏi: "Ông đã bao giờ nói dối ở nơi làm việc bao giờ hay chưa?".

Trước đó, tỷ phú này luôn tự tin rằng mình có thể "giấu dốt" trước mặt mọi người, nhưng sự bối rối của ông khi tham gia vào các cuộc họp Hội đồng quản trị đã khiến cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.

Cuối cùng, một vị giám đốc dưới quyền Branson đã phải "bổ túc" một khóa học cấp tốc để giúp ông củng cố lại kiến thức cơ bản. Đến khi ông thông thạo được mớ lý thuyết về kinh tế cũng là lúc tuổi tác chạm mốc 50 tuổi.

Tỷ phú cho biết: "Là một người mắc căn bệnh khó đọc, bạn sẽ thường gặp phải những tình huống khác thường. Giống như kiểu nếu như tôi không quan tâm đến một vấn đề nào đó, tôi sẽ rất khó để có thể nắm bắt được bản chất của vấn đề đó".

Mặc dù chứng khó đọc đã khiến Branson bị mang tiếng xấu là là lười biếng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng căn bệnh này cũng giúp cho ông suy nghĩ sáng tạo hơn và có thể đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Vị tỷ phú đã từng khen ngợi mặt tích cực của chứng khó đọc là tài sản lớn trong việc xây dựng nên các doanh nghiệp Virgin lớn mạnh.

Điều mà vị tỷ phú đúc kết được qua quãng thời gian đó là: "Nếu bạn thành thật với bản thân, đối diện với các khuyết điểm của mình thì bạn sẽ học được nhiều điều từ nó. Không có gì phải xấu hổ khi bạn dám dũng cảm thừa nhận những mặt hạn chế của bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có thể giúp mình tốt hơn cả".

Anh Quý
Theo CNBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục