Hải Dương vượt khó, bứt tốc về đích

0:00 / 0:00
0:00
Hải Dương đã mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, xuất phát tuy muộn, nhưng đã bứt tốc để về đích với nhiều đột phá thành công.
Tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư. Trong ảnh: Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp - Đô thị Đại An với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn Tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư. Trong ảnh: Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp - Đô thị Đại An với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn

Xuất phát muộn

Đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát tại Hải Dương đúng thời điểm đang diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lãnh đạo tỉnh đều đang dự Đại hội tại Hà Nội. Lúc đó, Tết Nguyên đán cũng đã cận kề. “Đây thực sự là một thử thách lớn, có thể nói là rất lớn với Đảng bộ và Chính quyền tỉnh. Bởi năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khóa mới, song lại phải đối mặt với những thách thức lớn về y tế do đại dịch Covid-19 gây ra”, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ.

Từ một công nhân tại nhà máy của Công ty Poyun đi nước ngoài phát hiện dương tính với Covid-19, xét nghiệm ngày đầu đã tìm ra ngay 172 người có liên quan dương tính với Covid-19, Hải Dương đã phải “đóng cửa” để thực hiện giãn cách xã hội. Với một địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển, có trên 14.000 doanh nghiệp với hơn 360.000 lao động (108.000 lao động làm việc trong 11 khu công nghiệp tại tỉnh), đợt dịch này đã tác động nặng nề đến nền kinh tế của Hải Dương.

Tín hiệu vui, mở màn cho năm 2022 bứt phá thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương đã xuất hiện ngay trong tháng 12/2021.

Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Hàn Quốc từ ngày 12 đến ngày 15/12/2021, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã ký, trao 4 bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc, gồm: Công ty Daewoo D&C, Hiệp hội Năng lượng, Hiệp hội Smart City Hàn Quốc và Công ty Sein I&D.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, trong thời gian giãn cách toàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp của Hải Dương giảm tới 45,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ba tháng đầu năm 2021, GRDP của tỉnh tăng trưởng âm. Kết thúc nửa đầu năm, GRDP của tỉnh mới đạt tăng trưởng 3,9 % và vẫn có lĩnh vực tăng trưởng âm, như mảng dịch vụ (-0,7%).

Khi phát hiện ổ dịch lớn, ngay thời điểm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch Đại hội, xin phép để Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành ủy Chí Linh (nơi ổ dịch lớn phát sinh) về địa phương chỉ đạo chống dịch. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã đăng ký phòng họp trực tuyến tại khu vực tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tranh thủ từng giờ, từng phút nghỉ giữa Đại hội để điều hành, chỉ đạo công tác chống dịch tại tỉnh cho kịp thời, sát tình hình.

Với sự đồng lòng, góp sức của toàn thể nhân dân, cùng với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương các cấp, sẵn sàng lao vào tâm dịch để điều hành công tác chống dịch, đến 0 giờ ngày 3/3/2021, việc cách ly xã hội toàn tỉnh kết thúc, TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng được gỡ phong tỏa. Đó cũng là khoảnh khắc “giao thừa muộn” không thể nào quên với người dân Xứ Đông sau 34 ngày thực hiện 2 lần “phong tỏa chồng phong tỏa”.

Tiếp đó, sau khi kiện toàn nhân sự, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã rất quyết liệt chỉ đạo, điều hành để cùng người dân, cộng đồng doanh nghiệp khởi động các hoạt động kinh tế - xã hội năm 2021, dù muộn hơn so với cả nước, nhưng sau đó đã kịp bứt tốc và tiến dần về đích.

Về đích sớm

Thời điểm cuối tháng 11/2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương vui mừng cho biết: “Tinh thần và hành động ‘tăng tốc’ của 6 tháng cuối năm đã mang lại những hiệu quả tích cực và Hải Dương đã về đích năm 2021 ngay từ cuối tháng 11”.

Theo đó, Hải Dương cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Khép lại năm 2021, Hải Dương mạnh mẽ vươn lên vị trí thứ tư trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (đạt 8,6%). Đây là những con số có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình bứt tốc về đích của tỉnh. Cả 4 trụ cột kinh tế của Hải Dương theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đều có những bước phát triển tốt.

Để đạt được những kết quả này, ngay khi Covid-19 được kiểm soát trên địa bàn, các hoạt động kinh tế nhanh chóng được kích hoạt trở lại, trong đó, phải kể đến vai trò thúc đẩy của các cơ quan quản lý. Sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ngày 8/5/2021 tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông là ví dụ tiêu biểu.

Hội nghị Kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 có quy mô quốc tế, do UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 36 điểm cầu chính trong và ngoài nước (5 điểm cầu trong nước tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Lào Cai và Lạng Sơn; 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia) cùng nhiều điểm cầu phụ. Tại sự kiện, có gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến qua điện thoại, máy tính với các doanh nghiệp của Hải Dương. Sự kiện đã tạo đà để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Dương gắn với chuyển đổi số.

“Có thể nói, trong giai đoạn khó khăn nhất, định hướng phát triển cho cả giai đoạn 2021 - 2025 đã được ‘thử lửa’ và khẳng định tính đúng đắn. Đó là: để có thể tiến kịp và vượt lên, xác lập vị thế mới, Hải Dương không

chỉ cần khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng vốn có, mà còn phải tạo lập những giá trị khác biệt. Con đường ngắn nhất để thực hiện chính là bắt kịp và vượt lên trong dòng chảy của cuộc cách mạnh 4.0, của cuộc đua chuyển đổi số”, ông Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh.

Với sự đồng hành của Tập đoàn FPT, tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu đến năm 2025 có 80% thủ tục hành chính của tỉnh được thực hiện ở mức độ 4. Đây sẽ là giải pháp nhanh nhất để Hải Dương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng chất lượng điều hành.

Sẵn sàng cho tăng trưởng bứt phá

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định, trong năm 2021, tỉnh đã đặt được nền tảng cho sự phát triển của những năm tiếp theo, bao gồm việc hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung của vùng huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050; nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ; triển khai một loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công; triển khai các dự án đô thị lớn từ nguồn vốn của doanh nghiệp, nhất là chuẩn bị triển khai xây dựng thêm 2 nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Với sự nỗ lực, cố gắng vượt khó, tiếp đà của năm 2021, bước sang năm 2022, Hải Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%. “Chúng tôi sẽ thực hiện mục tiêu này với tinh thần sẵn sàng vượt qua những thách thức, khó khăn lớn hơn do dịch bệnh hoặc do yếu tố khác gây ra”, ông Phạm Xuân Thăng khẳng định.

Theo đó, Hải Dương sẽ kiểm soát, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng, đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Nhưng, để có thể tăng trưởng bứt phá, theo ông Thăng, cần phải dựa vào việc thu hút dòng vốn đầu tư.

Chia sẻ rõ hơn về kế hoạch thu hút đầu tư của Hải Dương trong năm 2022, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Năm 2022, Hải Dương lấy chủ đề năm là ‘Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá’. Tỉnh đã xác định, muốn bứt phá, thì phải mở rộng xúc tiến đầu tư, với mức kinh phí lớn gấp nhiều lần những năm trước. Trong đó, 90% kinh phí sẽ do các sở, ngành, địa phương cùng tham gia và huy động từ nguồn xã hội hóa. Sở Kế hoạch và Đầu tư là nơi tạo ra khung xúc tiến và mọi ngành nghề, lĩnh vực sẽ đều cùng tham gia xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, năm 2022, Hải Dương sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp, mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch…”.

Ông Hùng chia sẻ thêm, để có thể cải thiện quy mô và chất lượng dòng vốn, Hải Dương vẫn cần phải tập trung cao độ để xóa các điểm nghẽn về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Cùng với đó, phải đẩy nhanh xây dựng hạ tầng cho 6 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 2.400 ha và tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới từ nguồn vốn của doanh nghiệp để tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư.

Thu Lê - Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục