Hải Dương thành lập Ban xúc tiến, hỗ trợ đầu tư trong tháng 9/2021

0:00 / 0:00
0:00
Đây là chỉ đạo của ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại hội nghị lần thứ 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Một số nội dung tại hội nghị được truyền trực tuyến đến điểm cầu các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy để bảo đảm giãn cách phòng dịch Covid-19 Một số nội dung tại hội nghị được truyền trực tuyến đến điểm cầu các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy để bảo đảm giãn cách phòng dịch Covid-19

Theo đó, giao UBND tỉnh Hải Dương chuẩn bị thành lập Ban xúc tiến, hỗ trợ đầu tư vào đầu tháng 9/2021. Cụ thể, Ban sẽ có các nhiệm vụ như: Xây dựng dữ liệu dùng chung công khai thông tin các khu, cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng; danh mục dự án khuyến khích, không tiếp nhận và hạn chế tiếp nhận đầu tư. Đề xuất những cơ chế đột phá, hấp dẫn các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư công nghiệp công nghệ cao (CNCNC), công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vào các khu, cụm công nghiệp...

Hiện toàn tỉnh mới có 257 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 13,6%). Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đến hết năm 2021 tỷ lệ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh bằng mức trung bình cả nước và tăng ít nhất 20% mỗi năm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tăng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. UBND Tỉnh thực hiện giảm 50% phí giải quyết thủ tục hành chính, phí bưu chính công trong 2 năm cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.

UBND Tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu; lấy đây là tiêu chí chấm điểm cải cách thủ tục hành chính hằng năm và cơ sở đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu. Từng bước đưa các thủ tục hành chính đang giải quyết qua dịch vụ công mức độ 3 lên mức độ 4. Các sở, ngành, UBND cấp huyện tiếp tục rà soát, giảm bớt các thủ tục và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết; chuẩn hóa các hồ sơ để tạo thuận lợi cho người dân. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính để bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu trong giải quyết thủ tục hành chính...

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo dự thảo đề án Phát triển CNCNC, CNHT giai đoạn 2021-2025. Dự thảo đề án Phát triển CNCNC, CNHT giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 250 doanh nghiệp CNCNC, CNHT; giá trị sản xuất CNCNC, CNHT chiếm khoảng 25% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 doanh nghiệp CNCNC, CNHT, giá trị sản xuất chiếm khoảng 30%.

Đề án trên đã đề ra 10 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó tập trung quy hoạch, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn nhân lực; có cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định chung và hỗ trợ của tỉnh; nâng cao các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Hiện, ngành CNCNC và CNHT của tỉnh đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, góp phần tích cực đối với phát triển công nghiệp chung của tỉnh. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Các sản phẩm tương đối đa dạng, phong phú, đa số đạt tăng trưởng cao. Toàn tỉnh đang có 130 dự án lớn sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên các lĩnh vực.

Nạp ga, nạp nước làm mát ở xưởng lắp ráp xe ô tô Công ty Ford Hải Dương. Ảnh: Thành Chung
Nạp ga, nạp nước làm mát ở xưởng lắp ráp xe ô tô Công ty Ford Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Thăng yêu cầu đề án cần bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế khác biệt của Hải Dương.

“Hải Dương hiện đang đứng trước cơ hội lớn thu hút đầu tư CNCNC, CNHT, vì vậy, yêu cầu đề án đặt một số mục tiêu cao hơn để phấn đấu thực hiện và xác định những giải pháp căn cơ, đột phá, có tầm nhìn xa. Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp phải gắn với quy hoạch chung ngoài khu, cụm công nghiệp. Quy định rõ các loại hình khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp chuyên biệt CNCNC. Khu công nghiệp không phải chuyên biệt CNCNC phải dành ít nhất 20% diện tích thu hút CNCNC; cụm công nghiệp dành ít nhất 50% diện tích thu hút CNHT”, ông Thăng khẳng định.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh chỉ đạo xây dựng khung tiêu chí hạ tầng kỹ thuật để định hướng thu hút đầu tư, hoàn thành trong quý IV/2021. Định hướng thu hút đầu tư CNCNC vào 4 khu công nghiệp đang triển khai. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch và báo cáo Chính phủ cơ chế đặc thù xây dựng vùng công nghiệp động lực ở khu vực nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện...

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục