Hải Dương quy hoạch 3 khu công nghiệp ở huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng và Tứ Kỳ

HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp (KCN) Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc; KCN Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ và đồ án quy hoạch phân khu xây KCN Tân Trường mở rộng, huyện Cẩm Giàng; cùng tỷ lệ 1/2000.
Đồ án quy hoạch phân khu KCN Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc. Ảnh: Báo Hải Dương Đồ án quy hoạch phân khu KCN Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc. Ảnh: Báo Hải Dương

Cụ thể, nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc) tỷ lệ 1/2000 cũng đã được HĐND tỉnh Hải Dương thông qua với quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng hơn 258 ha. Trong đó, diện tích lập quy hoạch là 250 ha, quy mô lao động 11.500 người, cơ quan tổ chức lập quy hoạch là UBND huyện Gia Lộc.

Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ tỷ lệ 1/2000, trong đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch là UBND huyện Tứ Kỳ. Vị trí nghiên cứu quy hoạch phân khu thuộc địa giới hành chính 4 xã Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tái Sơn, Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ) với diện tích nghiên cứu khoảng hơn 212 ha. Trong đó, diện tích lập quy hoạch khoảng 200 ha, quy mô lao động 10.000 người.

Mục tiêu lập quy hoạch hai KCN này đều nhằm cụ thể hoá quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

Việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch hai KCN này sẽ làm cơ sở cho việc lập và quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch, khai thác và sử dụng quỹ đất hợp lý. Đồng thời, hình thành nên các KCN đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với các khu vực xung quanh.

Đồ án quy hoạch phân KCN Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Ảnh: Báo Hải Dương

Đồ án quy hoạch phân KCN Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Ảnh: Báo Hải Dương

Theo đó, KCN Hoàng Diệu và KCN Hưng Đạo đều có mục tiêu thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp dịch vụ. Cả hai KCN đều có hệ thống công trình dịch vụ, công trình xã hội công cộng tiện ích, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kiến trúc cảnh quan và môi trường khu vực.

Ngoài ra, hai KCN cũng đều có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành nhằm thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thu hút các ngành nghề theo lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương và pháp luật có liên quan. Đồng thời, xây dựng, kinh doanh kho bãi, nhà xưởng cho thuê, văn phòng, bãi đỗ xe và hoạt động vận tải, logistics, trung tâm dữ liệu cùng các dịch vụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của KCN.

Cùng với việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã thông qua đồ án quy hoạch KCN Tân Trường mở rộng, huyện Cẩm Giàng, tỷ lệ 1/2000 với quy mô nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch là hơn 115 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng KCN là hơn 112,6 ha, diện tích nghiên cứu quy hoạch khớp nối hạ tầng hơn 2,7 ha. Khu đất nghiên cứu quy hoạch thuộc địa bàn xã Tân Trường và xã Đình Sơn (huyện Cẩm Giàng), phía Đông giáp đất nông nghiệp, phía Tây giáp đất nông nghiệp, đất dân cư và đất sản xuất hiện hữu, phía Bắc giáp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, phía Nam giáp Quốc lộ 5.

Theo quy hoạch, KCN Tân Trường sẽ chia thành 5 khu chức năng chính. Khu 1 là khu dịch vụ điều hành có chiều cao tối đa 5 tầng (không bao gồm tầng tum, tầng hầm) mật độ xây dựng 60%. Khu 2 là khu vực nhà máy kho tàng cao tối đa 3 tầng mật độ xây dựng tối đa 70%. Khu 3 là khu dịch vụ tiện ích công cộng cao tối đa 8 tầng mật độ xây dựng tối đa 60%. Khu 4 là khu hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe (gồm các công trình trạm xử lý nước thải tập trung khu tập kết rác, trạm điện, trạm bơm cấp nước, bãi đố xe gần khu dịch vụ điều hành) tầng cao công trình tối đa 3 tầng mật độ xây dựng 70%. Khu 5 là đất cây xanh, mặt nước.

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng (huyện Cẩm Giàng) đã được HĐND tỉnh Hải Dương thông qua. Ảnh: Báo Hải Dương

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng (huyện Cẩm Giàng) đã được HĐND tỉnh Hải Dương thông qua. Ảnh: Báo Hải Dương

Quy hoạch không gian cảnh quan trong KCN Tân Trường theo hướng hiện đại, ưu tiên bố trí các dải cây xanh bao quanh trong các lô đất xây dựng nhà máy kho tàng để tạo cảnh quan và môi trường. Quy hoạch không gian, cảnh quan trong quy hoạch phân khu có tính chất định hướng. Cảnh quan kiến trúc của từng khu vực, dự án cụ thể sẽ được xem xét trong bước lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án đầu tư xây dựng (báo cáo nghiên cứu khả thi) theo quy định và phải đảm bảo phù hợp các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất và quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành.

Hiện, KCN Tân Trường đã hoạt động được gần 15 năm, do Công ty cổ phần Công nghiệp Tây Bắc làm chủ đầu tư, tỷ lệ lấp đầy trên 95%.

KCN Tân Trường mở rộng là KCN tập trung, đa ngành, có hệ thống công trình xã hội công cộng tiện ích, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nơi đây sẽ tập trung thu hút các ngành nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo cơ khí, máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng.

Gần đây, đề xuất việc đấu nối đường vào KCN Tân Trường mở rộng với Quốc lộ 5 đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Việc đầu tư đường vào KCN đấu nối với quốc lộ là cần thiết nhằm kết nối thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án phát triển các KCN đến năm 2030 là 32 KCN với tổng diện tích 5.661 ha. Đến nay, Hải Dương đã thành lập 17 KCN với quy mô 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 57%; 12 KCN đang vận hành, khai thác kinh doanh, thu hút 394 dự án thứ cấp; 6 KCN đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục