Hải Dương đầu tư khu công nghiệp tạo ”“đòn bẩy”” tăng trưởng kinh tế

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương chú trọng hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế.
Khu công nghiệp Đại An mở rộng liên tục thu hút các dự án công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại (Ảnh: Thành Chung)

Hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ trong khu công nghiệp

Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg. Trong đó, tỉnh được chấp thuận phương án phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 gồm 32 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.661 ha.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã thành lập được 17 khu công nghiệp, với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha. Trong đó, 12 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh; 5 khu công nghiệp đang giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng và xúc tiến thu hút đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đã thành lập khoảng 62,06%.

Các khu công nghiệp đều được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống thu gom nước mặt, hệ thống thu gom nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu 24/24 giờ tới Sở Tài nguyên và Môi trường; hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông... đảm bảo tính kết nối đồng bộ của các công trình kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các khu công nghiệp phải tuân thủ nghiêm việc phân tách nước thải, nước mặt theo quy định. 100% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thực hiện đấu nối, chuyển giao nước thải vào hệ thống thu gom nước thải chung của khu công nghiệp.

Theo định hướng của tỉnh, các khu công nghiệp ở Hải Dương tập trung thu hút sản xuất công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giảm công nghiệp sản xuất gây nguy hại đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm như dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim. Các khu công nghiệp này đã và đang đi đúng hướng khi đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải. Việc làm này không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, mà còn là yếu tố chiến lược giúp tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông - vận tải, hệ thống hạ tầng hiện đại, nhằm tạo bước tiến cho các dự án khu công nghiệp. Địa phương có nhiều công trình giao thông, thúc đẩy liên kết vùng như tuyến đường cầu Triều nối đường tỉnh ĐT 389, cầu Mây kết nối ĐT 389 với Quốc lộ 5, xây dựng đường nối đầu cầu Triều với thị xã Kinh Môn... Chính bởi sự thuận tiện này, nhiều dự án đã đầu tư vào các ngành mũi nhọn về công nghiệp chế tạo, chế biến, điện, điện tử, công nghệ cao tại các khu công nghiệp Đại An, Đại An mở rộng, An Phát 1, Lương Điền - Cẩm Điền.

Lũy kế đến hết năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút 440 dự án đầu tư. Trong đó, 17 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với 2 dự án đầu tư nước ngoài (khoảng 74 triệu USD) và 15 dự án trong nước (khoảng 20.211 tỷ đồng). Có 423 dự án thứ cấp, trong đó có 331 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD và 92 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 19.282 tỷ đồng.

Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần dẫn dắt các dự án trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại, góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực về chất lượng, là một trong các nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Với những kết quả đạt được trong hơn 20 năm qua, các khu công nghiệp đã đóng góp vai trò tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hải Dương. Các khu công nghiệp là nhân tố quan trọng nâng cao giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh, góp phần đưa Hải Dương tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

“Phát triển các khu công nghiệp tập trung giúp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đối với các nhà máy, đảm bảo sự phát triển bền vững, sự phát triển các khu công nghiệp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Từ đó, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và thúc đẩy các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp phát triển nhanh”, ông Kiên nhấn mạnh.

Đón làn sóng thu hút đầu tư mới

Định hướng trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương không thu hút các dự án có tác động tiêu cực tới môi trường, tập trung “xanh hóa” các khu công nghiệp. Bắt kịp xu hướng thế giới, các nhà đầu tư không chỉ tập trung vào tiềm năng của dự án, mà còn rất coi trọng tác động của dự án tới môi trường. Rõ ràng, việc Hải Dương bắt kịp nhịp chuyển động quốc tế đã trở thành lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nói chung và vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.

Hiện trong tỉnh Hải Dương đã có nhiều dự án khu công nghiệp đạt quy chuẩn môi trường quốc tế, tiêu biểu là Khu công nghiệp Kim Thành (xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành) của chủ đầu tư COMA 18. Được định hướng phát triển theo tiêu chí mới của tỉnh, Dự án bao gồm hai yếu tố “xanh” và “phát triển bền vững”, dự kiến thu hút doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như công nghệ thông tin, chế tạo máy cơ khí chính xác, sản xuất hàng gia dụng, điện, điện tử...

Để tận dụng thời cơ thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển vào Việt Nam, Hải Dương đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng và xúc tiến thu hút đầu tư đối với 5 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.100 ha gồm: An Phát 1 (180 ha), Phúc Điền mở rộng (gần 236 ha), Gia Lộc giai đoạn II (gần 198 ha), Tân Trường mở rộng (hơn 112 ha), Kim Thành (165 ha) và giai đoạn II của Khu công nghiệp Đại An mở rộng (gần 236 ha).

Với 15 khu công nghiệp còn lại, có 2 khu công nghiệp đã có nhà đầu tư lập, gửi hồ sơ đề xuất dự án đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định. 13 khu công nghiệp còn lại với tổng diện tích khoảng 2.335 ha đang được các cấp, các ngành thực hiện các công tác quy hoạch làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư.

Với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương luôn là người bạn đồng hành, luôn phát huy tốt cơ chế “một cửa, một đầu mối” trong phục vụ, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược, Ban Quản lý cũng có các giải pháp phát triển doanh nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước để tạo nên hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.

Trọng tâm trong hoạt động của Ban Quản lý là cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường sự minh bạch và tính ổn định trong chính sách đầu tư; rà soát, bổ sung các chính sách và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các ngành có tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong đó, tập trung vào những doanh nghiệp đầu tư những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường.

Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương nhận định, Hải Dương đang có nhiều cơ hội thu hút đầu tư, đặc biệt là quy hoạch nhiều khu công nghiệp, nguồn tài nguyên đất và lao động dồi dào, thuận lợi cả về giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ. Trong thời gian tới, khi các khu công nghiệp trên địa bàn hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư, tiếp nhận các dự án đầu tư mới, sẽ là cơ sở để tỉnh đón dòng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư, thu hút một lượng lớn các dự án đầu tư mới.

Có thể nói, phát triển kinh tế tại các khu công nghiệp hiện nay không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức đối với Hải Dương và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hiểu được điều đó, chính quyền tỉnh đã nhạy bén trong kế hoạch phát triển, có những hướng đi chắc chắn, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, đem lại hiệu quả cao về phát triển kinh tế, sớm hoàn thành mục tiêu “năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, từ đầu năm 2024 đến ngày 5/12, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 680 triệu USD, đạt 136% kế hoạch năm. Trong đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 50 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 410 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 32 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm khoảng 270 triệu USD.

Thu hút vốn đầu tư trong nước khoảng 4.507 tỷ đồng, đạt 900% kế hoạch năm. Trong đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 3.452 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 13 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm trên 1.055 tỷ đồng.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục