UBND TP. Hà Nội là địa phương sớm nhất gửi báo cáo rà soát tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để bộ này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trái với tốc độ rà soát, tiến độ triển khai hai dự án đường sắt đô thị có số vốn tổng cộng hơn 60.000 tỷ đồng là Nhổn - ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo rất chậm, thậm chí có công trình còn chưa hẹn ngày về đích.
Vỡ tiến độ sâu
Hiện có đến 99% Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội không thể đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2018.
Cụ thể, đến giữa tháng 3/2017, tuyến đường sắt đô thị có chiều dài 12,5 km này mới đạt khoảng 30% khối lượng, trong đó gói thầu số 1 - xây dựng đoạn tuyến trên cao đạt 61%, trong khi kế hoạch đề ra là phải đạt tối thiểu 98,8%, chậm 11,3 tháng.
Được biết, gói thầu số 1 chưa phải là gói thầu thi công ì ạch nhất tại dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu này.
Đứng đội sổ về tiến độ là gói thầu số 5 - xây dựng công trình kiến trúc depot có giá trị hơn 613 tỷ đồng. Gói thầu này hiện đã chậm tiến độ 17 tháng, với khối lượng thi công chỉ đạt khoảng 40%, trong khi lẽ ra phải đạt tối thiểu 91,7%.
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang ngổn ngang, chưa hẹn ngày về đích. Ảnh: Đức Thanh
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội xác nhận, Dự án chỉ có thể hoàn thành vào cuối năm 2021, tức là kéo dài thêm tối thiểu 36 tháng so với tiến độ điều chỉnh năm 2014.
Như vậy, ngay cả khi Dự án được tháo gỡ toàn bộ vướng mắc để có thể về đích vào cuối năm 2021, thì tuyến metro này ngốn của TP. Hà Nội tới 12 năm (nếu tính từ khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) và 11 năm (nếu tính từ khi Dự án được khởi công).
Không chỉ bị chậm tiến độ, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã phải 2 lần “nới đai” tổng mức đầu tư. Từ 783 triệu euro (tháng 4/2009), tổng mức đầu tư đã vọt lên 1.176 triệu euro (tháng 6/2013) và nhiều khả năng đây chưa phải con số cuối cùng khi Dự án phải chịu tác động từ nguy cơ biến động giá do kéo dài thời gian thi công thêm 3 năm.
Sơ đồ một số tuyến metro tại Hà Nội
Chưa chốt được tổng mức đầu tư
Tuyến Nhổn - ga Hà Nội tuy bị vỡ tiến độ rất sâu, nhưng vẫn còn “sáng nước” hơn so với tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Được phê duyệt từ cuối năm 2008, tuyến đường sắt đô thị có chiều dài 11,5 km này thậm chí hiện còn không thể định lượng chính xác thời hạn hoàn thành.
Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, Dự án Đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, có tổng mức đầu tư ban đầu là 19.555 tỷ đồng. Dự án từng được ấn định thời gian khai thác vào cuối năm 2015, hiện mới chỉ hoàn thành công tác sơ tuyển 5/5 gói thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, nên chưa triển khai bất kỳ hoạt động nào trên hiện trường.
Điều đáng nói, tại tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, các cơ quan chức năng vẫn chưa chốt được tổng mức đầu tư.
Hiện có đến 99% Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội không thể đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2018.
Cần phải nói thêm rằng, tuyến metro số 2 là công trình có tổng mức đầu tư liên tục “nhảy múa” với biên độ rất rộng, nên việc cơ quan thẩm tra chốt chi phí xây dựng xuống mức 30.069 tỷ đồng không phải không có cơ sở.
Giải thích cho việc các dự án đường sắt đô thị Hà Nội bị vỡ tiến độ, đội vốn, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đây là lĩnh vực mới, nên năng lực quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, chưa kiểm soát được công việc, nên phải phụ thuộc vào tư vấn.
Trong khi đó, cả Systra (Pháp) tại Dự án Nhổn - ga Hà Nội và OCJV lại chưa có sự am hiểu về các quy định tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đổ một phần lỗi cho các bộ, ngành khi chưa thể hiện được trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc triển khai đối với hai dự án.
“Ngoài việc để đội vốn, chậm tiến độ, việc lựa chọn công nghệ và xuất xứ hàng hóa cũng là một tồn tại, bởi nguồn vốn của các dự án đều sử dụng vốn vay của Chính phủ các nước, nên thường bị ràng buộc điều kiện vay trong quá trình đàm phán, ký kết hiệp định”, ông Hùng cho biết.