Tối 31/1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội cùng Đội Quản lý thị trường số 1 Hà Nội kiểm tra đột xuất, phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế nâng giá bán khẩu trang.
Tại cơ sở số 120 Ngọc Khánh (quận Ba Đình), nhân viên bán hàng Mai Hữu Chung tường trình trong ngày 31/1, nơi đây đã bán 30 hộp khẩu trang y tế với giá 130.000-220.000 đồng mỗi hộp.
Qua kiểm đếm, lực lượng liên ngành phát hiện gần 700 khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Tiếp tục kiểm tra cửa hàng số 118 Ngọc Khánh, cơ quan chức năng thu giữ thêm hơn 260 khẩu trang không rõ nguồn gốc.
Nhân viên cửa hàng này khai báo trong ngày 31/1, họ đã bán khoảng 130 hộp khẩu trang y tế (loại 50 chiếc) với giá 300.000-350.000 đồng mỗi hộp.
"Giá bán này cao gấp 6-7 lần so với ngày thường", một cán bộ tổ công tác cho biết.
Căn cứ Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ, lực lượng liên ngành đã lập biên bản phạt hành chính mỗi cửa hàng 20-30 triệu đồng về hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý.
Theo Nghị định này, chủ 2 cửa hàng trên phải nộp sung công quỹ toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết Công an Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh lợi dụng dịch cúm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra để đẩy giá bán hàng hóa nhằm trục lợi.
Tổng Cục Quản lý thị trường cũng giao Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường làm đầu mối theo dõi, phối hợp kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo khi được yêu cầu và sau khi công tác chống dịch kết thúc.
Theo ghi nhận, nhiều người tiêu dùng phản ánh có tình trạng đẩy giá khẩu trang cao gấp 4-5 lần so với trước đây tại một số hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội. Một hộp khẩu trang y tế dùng một lần có giá 20.000-30.000 đồng đang được bán với giá 100.000-150.000 đồng hoặc cao hơn.
Theo một số luật sư, hành vi đầu cơ nâng giá bán khẩu trang giữa tâm bão dịch bệnh nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội Đầu cơ, theo Điều 196 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ phạt tiền 30 triệu hoặc phạt tù lên đến 15 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị xử phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng.