Cổ phần hóa cùng Công ty mẹ VICEM còn có 3 thành viên khác là Xi măng Hải Phòng, Xi măng Hoàng Thạch và Xi măng Tam Điệp. Trước đó, VICEM có 5 doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong là Hà Tiên, Hoàng Mai, Bút Sơn, Bỉm Sơn và Hải Vân. Hiện các doanh nghiệp này đang sản xuất - kinh doanh ổn định, hiệu quả. Báo cáo tài chính năm 2014 của các công ty này cho thấy, tất cả đều có lãi, thậm chí là thuộc vào loại cao trong số các công ty sản xuất xi măng.
Về 2 đơn vị được giao về cho VICEM, khiến tổng công ty này trễ hẹn cổ phần hóa, Công ty Xi măng Sông Thao có công suất 910.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, vượt 700 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Đến nay Xi măng Sông Thao lỗ khoảng 500 tỷ đồng.
"Để đảm bảo hiệu quả sản xuất-kinh doanh và tái cơ cấu nợ của Sông Thao và Hạ Long, Hạ Long sẽ phải ghép với Hoàng Thạch, còn Sông Thao sẽ ghép với Hải Phòng. Có như vậy mới tạo được thực lực, thương hiệu, cũng như hệ thống phân phối" - Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM.
Trước đó, năm 2013, Tổng công ty HUD - đơn vị chiếm 74,37% vốn điều lệ Xi măng Sông Thao đã cầu cứu Bộ Tài Chính trả thay nợ nước ngoài với 3 kỳ trả nợ từ tháng 6/2013 - 6/2014 là 1,9 triệu EUR và 2,9 triệu USD.
Trong khi đó, Xi măng Hạ Long có công suất 2,1 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 6.760 tỷ đồng (đội lên 2.776 tỷ so với dự toán ban đầu). Đến tháng 9/2013, lỗ lũy kế của Xi măng Hạ Long chốt lại con số 2.098 tỷ đồng. Xi măng Hạ Long đi vay nợ thông qua chủ đầu tư Tổng công ty Sông Đà là 5.196 tỷ đồng. Năm 2013, Sông Đà đã dùng nguồn vốn vay bảo lãnh nước ngoài cho Hạ Long vay lại 3.335 tỷ đồng. Thế nhưng, Xi măng Hạ Long không có khả năng chi trả, dẫn đến Sông Đà nợ dây chuyền.
Vấn đề của Xi măng Sông Thao và Hạ Long liên quan trực tiếp đến cổ phần hóa 2 doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng là HUD và Sông Đà. Muốn cổ phần hóa các doanh nghiệp này phải giải quyết vấn đề tài chính, cụ thể là những dự án đầu tư ngoài ngành như xi măng.
Lộ trình phấn đầu của Bộ Xây dựng đặt mục tiêu, đến hết năm 2015, sẽ cơ bản hoàn thành cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp trực thuộc Bộ và năm 2016 sẽ không còn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng xem ra kế hoạch này sẽ khó “về đích” đúng hẹn, vì phụ thuộc vào tiến trình “nhận lại” 2 nhà máy xi măng từ VICEM.
Trên thực tế, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng cũng gián đoạn mất 3 năm khi Bộ thành lập 2 tập đoàn. Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015 đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, tổng tài sản đều hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước từ 1.000 - 15.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp có nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà cửa, khu đô thị, khu công nghiệp, máy móc thiết bị xây dựng có giá trị cao, nhiều khoản đầu tư ngoài ngành..., nên việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa khá phức tạp, mà HUD và Sông Đà đều nằm trong số đó.
Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cho biết: “Để đảm bảo hiệu quả sản xuất-kinh doanh và tái cơ cấu nợ của Sông Thao và Hạ Long, Hạ Long sẽ phải ghép với Hoàng Thạch, còn Sông Thao sẽ ghép với Hải Phòng. Có như vậy mới tạo được thực lực, thương hiệu, cũng như hệ thống phân phối”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả các cuộc “hôn nhân” trên vẫn chưa được công bố.
Đại diện VICEM cho biết, Tổng công ty đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án nhận lại 2 nhà máy xi măng trên. Trước đó, việc nhận lại 2 nhà máy hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của VICEM.
Từ năm 2013, trong kế hoạch hàng năm của mình, VICEM đều ghi rõ: “Không đầu tư thêm, chỉ tập trung cho ngành nghề chính là xi măng”. Trên thực tế, việc tập trung cho ngành nghề chính của VICEM đã phát huy tác dụng tức thì với kết quả kinh doanh ấn tượng khi tất cả các doanh nghiệp đều không thua lỗ. Thị phần của VICEM đã tăng từ 32% năm 2012, lên 34,5% vào năm 2014.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Tham gia cuộc bình chọn Khu đô thị đáng sống 2015 (Báo đầu tư Bất động sản)