Hai Chủ tịch UBND tỉnh cùng kiến nghị xây dựng tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng

0:00 / 0:00
0:00
Đoạn tuyến cao tốc từ Tp. Bắc Kạn đến Tp. Cao Bằng được kiến nghị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe.
Một đoạn Quốc lộ 3 qua đèo Gió. Một đoạn Quốc lộ 3 qua đèo Gió.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh vừa cùng ký công văn số 6968/UBND - GTCNXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.

Theo đó, hai Chủ tịch UBND tỉnh này kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương đầu tư và việc bố trí nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác để đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ từ Tp. Bắc Kạn đến Tp. Cao Bằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe.

Công văn số 6968 nêu rõ Bắc Kạn và Cao Bằng là hai tỉnh miền núi, nằm trong vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Khu vực này có địa hình bị chia cắt mạnh, đồi núi cao, hệ thống sông suối có độ dốc dọc lớn, mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ, bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đường còn thấp ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ cấu kinh tế hai tỉnh chủ yếu là nông, lâm nghiệp, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao (Bắc Kạn là 18,5%; Cao Bằng là 22,06% vào năm 2020), kết cấu hạ tầng còn kém phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ.

Hiện nay, tuyến Quốc lộ 3 là trục xương sống quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và vùng Đông Bắc; là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối từ các tỉnh: Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cao Bằng về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tuyến Quốc lộ 3 đã được đầu tư nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình khoảng 40 km/h, các loại xe tải trọng lớn, đặc biệt là xe đầu kéo lưu thông khó khăn nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông cục bộ. Phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh chuyển biến chậm, khả năng thu hút vốn đầu tư còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do địa hình khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế; kết nối giao thông giữa các tỉnh chưa tốt, dẫn đến chi phí vận tải cao, kéo dài thời gian đi lại…

Được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn hai tỉnh đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, đoạn tuyến từ Tp. Bắc Kạn đến Tp. Cao Bằng đến nay chưa được đầu tư nên hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa hoàn thiện, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, do đó đời sống nhân dân của hai tỉnh còn nhiều khó khăn.

“Việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng sẽ góp phần phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc”, lãnh đạo hai tỉnh khẳng định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục