Hai bức tranh tường quý hiếm ở Hà Nội sắp bị phá

Hai bức tranh tường cổ động ở phố Bạch Mai và Minh Khai (Hà Nội) sắp bị phá do mở đường. Những người quan tâm di sản đô thị đã lên tiếng về việc cứu tranh khẩn cấp.
Hai bức tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh ở đoạn cắt Bạch Mai - Minh Khai (Hà Nội). Hai bức tranh tường cổ động của họa sĩ Trường Sinh ở đoạn cắt Bạch Mai - Minh Khai (Hà Nội).

Vật chứng của một giai đoạn lịch sử

Những trao đổi ngay lập tức bùng lên khi PGS-TS Khuất Tân Hưng đưa những hình ảnh của 2 bức tranh tường tại ngã tư Minh Khai - Bạch Mai (Hà Nội) lên trang Facebook cá nhân.

Theo ông Hưng, đây là 2 di sản đô thị quý của Hà Nội bị việc mở đường đe dọa. “Hai bức tranh cổ động tại ngã tư được họa sĩ Trường Sinh thực hiện khoảng những năm 1980. Quan trọng hơn, chúng là 2 bức tranh hoành tráng còn lại”, vị Chủ nhiệm bộ môn di sản đô thị, Khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội, chia sẻ.

Cũng trong mạch trao đổi này, ông Trường Thành, con trai họa sĩ Trường Sinh, xác nhận 2 bức tranh này đều do cha ông sáng tác vào khoảng năm 1983, 1984.

Một bức là tranh gốm, bức còn lại là tranh khắc vữa. Trước đó, cha ông đã thực hiện một tác phẩm tranh tường cùng phong cách tại Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Ông cho biết, cùng thời kỳ này, ở ô Yên Phụ (Hà Nội) còn có tác phẩm gò đồng biểu tượng công nông binh.

KTS Nguyễn Trương Quý, người có nhiều cuốn tản văn về Hà Nội, cho rằng các bức tranh tường trước hết có giá trị lịch đại. Chúng là vật chứng của một giai đoạn lịch sử, của một quan niệm tư tưởng mà các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua.

Về mặt thể loại, đây là một sản phẩm hiếm hoi còn lại của nghệ thuật hoành tráng đô thị ở Hà Nội. “Tôi được biết là có một vài bức tranh tường tương tự ở các cửa ngõ Hà Nội. Thể loại tác phẩm này hiện gần như biến mất, vì thế bức tranh cỡ lớn còn lại này sẽ là một căn cứ để thế hệ sau hình dung ra ký ức Hà Nội một giai đoạn”, ông Quý cho hay.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, một cây bút chuyên viết về Hà Nội, giá trị lớn nhất của những bức tranh này là giá trị cổ động.

Trong khi đó, KTS Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Điều gây tranh cãi nhất là giá trị thẩm mỹ. Bức tranh tường này thực tế là 2 bức ở 2 mặt phố Bạch Mai và Minh Khai.

Bức thứ nhất có chất liệu gạch men kính màu với hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài như đang bay lên cạnh Tháp Rùa - một hình ảnh mang tính thần thoại. Bức thứ hai là xi măng đắp nổi sơn màu với chủ đề xây dựng TP khoa học kỹ thuật. Hai bức tranh phản ánh trình độ thi công và công nghệ vật liệu giai đoạn 1980.

Chúng có một phong cách gần với các tranh cổ động Xô - Viết, song cũng có những nét đặc trưng nhằm gợi ra một hình tượng Hà Nội thời hậu chiến, mang tình cảm của cư dân lúc ấy qua sáng tác của họa sĩ Trường Sinh”.

Theo ông Quý, ở 2 bức tranh này, các hình tượng được thể hiện khá duyên dáng và thậm chí rất lãng mạn, cái lãng mạn của những ước mơ một thời gian khó. “Xét cho cùng, chúng là những đại diện của một Hà Nội vẫn chưa chấm dứt ảnh hưởng đến ngày nay. Hơn nữa, chúng vẫn có tư cách những tác phẩm nghệ thuật của một thể loại mỹ thuật đường phố”, ông Quý đánh giá.

Đề xuất giữ lại 2 bức tranh

PGS-TS Khuất Tân Hưng cho rằng giá trị của 2 bức tranh rất lớn. “Thời đó, ở cửa ô vào những năm 1980 có một loạt kiểu công trình như thế được xây dựng. Nó đánh dấu những mốc phát triển đô thị. Đó là những cột mốc. Nếu bạn quan sát những người sưu tập tranh cổ động sẽ thấy có trường hợp người sưu tập không nghĩ tranh cổ động của VN có gì ghê gớm nên bỏ chúng đi.

Trong khi nhiều người nước ngoài sưu tầm tranh cổ động VN và những bức tranh này trở thành có giá trị cao. Không chỉ từng bức tranh có ý nghĩa riêng, mà nó đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ phát triển - thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở VN”, ông nói.

Cũng theo ông Hưng, ở VN còn thiếu nghệ thuật đô thị như tượng đài, tranh hoành tráng. “Mọi người đang mải mê việc khác không quan tâm giá trị đó. Tuy nhiên, mỹ thuật đô thị cũng như 2 bức tranh đó có ý nghĩa với cuộc sống đô thị. Chưa kể, nó còn rất đẹp, nếu mình so sánh nó với con đường gốm sứ hay các con đường bích họa mà giờ nhiều nơi vẽ”, ông Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Trương Quý: “Tôi đã từng gợi ý nên chăng có một cuộc di dời nguyên vẹn cụm 2 bức tranh tường này về một không gian có tính bảo tàng hoặc trong một công viên, thay vì bị bỏ hoang nhiều năm.

Nhìn bằng mắt thường có thể thấy chúng vẫn còn ở tình trạng khá tốt, do tuổi đời mới chỉ 37 năm. Tôi nghĩ “tái định cư” chúng ở một không gian mới cũng là một điều đáng làm. Nó phản ánh thái độ của chúng ta với lịch sử thành phố này”.

PGS-TS Khuất Tân Hưng bày tỏ: “Nếu chúng ta sẵn sàng xóa bỏ một công trình gắn bó với tiến trình phát triển đô thị thì đó là ứng xử không đúng đối với quá khứ và các giá trị đã được khẳng định trong đô thị. Còn điểm nữa là do nhận thức chưa đủ, nhiều người nghĩ phải thực sự cổ xưa mới là di sản. Nhưng thực ra, di sản đang hình thành ngay cả trong đời sống đương đại. Bức tranh đó là một di sản đô thị” và đề nghị: “Hoàn toàn có thể giữ lại như biểu tượng. Nếu mở đường, nó nằm giữa đường. Thậm chí còn không phải di dời. Ta có thể tổ chức cuộc thi thiết kế đô thị để thiết kế cái đảo đô thị với bức tranh tường đó. Tại sao không làm như thế?”.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục