Hai Bộ hiến kế chống biệt thự bỏ hoang

Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng vừa đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm chống đầu cơ đất đai, xóa bỏ tình trạng biệt thự bỏ hoang.

Bộ Xây dựng: Cấm phân lô bán nền

Sau khi kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội cho kết quả 42% số biệt thự hiện đang bị bỏ hoang, Bộ Xây dựng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang là do nạn đầu cơ đất còn phổ biến.

Ngoài ra, phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô. Từ đó, Bộ này kiến nghị, cần xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, đồng thời chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng.

Thực tế, cấm phân lô bán nền là một giải pháp hoàn toàn không mới. Đúng hơn, đó là giải pháp từng “chết yểu”, giờ được “nêu” lại. Cách đây 7 - 8 năm, khi Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được ban hành tháng 10/2004, biện pháp này đã được nêu ra. Tuy nhiên, sau đó, phân khúc nhà chung cư chưa phát triển mạnh, mà thị trường BĐS chủ yếu là phân khúc đất nền, nên biện pháp đó khiến thị trường “đóng băng”. Để cứu thị trường, chính sách được nới ra và DN được phép phân lô bán nền. Nay, Bộ Xây dựng nêu lại biện pháp cũ với mục tiêu “ổn định thị trường”.

Với đề xuất của Bộ Xây dựng, một số DN BĐS cho rằng, một kịch bản cũ có thể sẽ được tái hiện, bởi có dự án nào mà không có phân lô bán nền, dự án càng mới ở càng xa trung tâm thành phố thì tỷ lệ đất phân lô bán nền càng cao và đó là “điểm nhấn” để chủ đầu tư thu hút sự chú ý của thị trường. “Lúc này, có ai đi xa mấy chục km chỉ để mua nhà chung cư. Nếu không được phân lô bán nền, chúng tôi có nguy cơ đổ vỡ dự án”, đại diện một công ty BĐS nói.
“Đúng là không thể để hàng triệu USD chết dí một chỗ trong các biệt thự bỏ hoang, song nếu xóa phân lô bán nền thì quá trình thực hiện cần có lộ trình rõ ràng mới có thể tránh sốc cho thị trường”, ông Lê Minh Hải, chuyên gia BĐS nhận định.

 

Bộ Tài chính: Đánh thuế chống đầu cơ

Bộ Tài chính đưa ra 3 phương án tính thuế để chống tình trạng biệt thự bỏ hoang.
Phương án 1, Bộ Tài chính sẽ dự thảo Nghị định quy định, nếu sau khi xác định biệt thự nào bỏ hoang, không sử dụng thì thu thuế theo một tỷ lệ nhất định. Chẳng hạn, sau 3 tháng thu 5% trên tổng giá trị biệt thự, sau 6 tháng thu 10%...

Phương án 2, ngày 1/1/2012, khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực, có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị.

Phương án 3, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm Luật Đất đai, nếu không đưa vào sử dụng trong 6 tháng thì bị phạt 20 - 30 triệu đồng, 6 tháng sau tiếp tục không sử dụng thì phạt tiếp đến khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, cho thuê, cho mượn.

Sau khi những phương án này được đưa ra, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm băn khoăn: “Trường hợp người bỏ hoang nhà không nộp thuế thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo. Thu hồi nhà chăng? Không thể làm thế được, bởi đó là quyền sở hữu cá nhân”.
Trên thực tế, có những trường hợp rất “ngay tình”, ví như người mua nhà mua xong nhưng không muốn ở, không có nhu cầu hoặc không có khả năng hoàn thiện nhà nên bỏ hoang thì đó là quyền định đoạt của họ đối với tài sản thuộc sở hữu. Vả lại, một khi đã có sắc luật thuế, thì việc thu thuế phải công bằng trong việc xác định nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với nhà chưa hoàn thiện và nhà đã hoàn thiện khóa cửa bỏ đó.

Bộ Xây dựng đã có báo cáo tình hình sử dụng biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội. Trong 18 dự án được kiểm tra, có 6.860 căn nhà ở thấp tầng đã xây dựng, trong đó có 5.152 căn đã đưa vào sử dụng (biệt thự là 1.803 căn, liền kề là 3.349 căn), còn 1.708 căn chưa hoàn thiện (biệt thự còn 831 căn, nhà liền kề còn 877 căn).

Số lượng nhà chung cư đã hoàn thành là 14.288 căn hộ, đã đưa vào sử dụng 14.110 căn (bằng 99%). Những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là Dự án Khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng; Khu nhà ở Quang Minh 2 còn 106/208 căn biệt thự và 67/106 căn liền kề chưa hoàn thiện; Khu đô thị mới Dịch Vọng có 67/82 căn biệt thự và 26/72 căn nhà liền kề chưa sử dụng; Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp còn 100/213 căn biệt thự chưa sử dụng; Khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà liền kề chưa sử dụng. Những dự án cơ bản đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như Khu đô thị Mỹ Đình II vẫn còn 19/206 căn biệt thự chưa sử dụng; Khu đô thị mới Trung Yên còn 5/61căn biệt thự và 26/646 căn nhà liền kề chưa sử dụng.


Pháp luật Việt Nam

Tin cùng chuyên mục