Với kết quả lãi suất thanh toán cho kỳ đầu tiên 14% và biên lãi suất thanh toán cho các kỳ sau 5% (bằng lãi suất tiền gửi trung bình của 4 ngân hàng lớn cộng với mức 5%), giới đầu tư trái phiếu cho biết, HAGL đã huy động vốn cao hơn 1 - 2% so với mặt bằng giá huy động hiện tại. Lãi suất phát hành càng cao, càng phản ánh rủi ro cao của DN huy động.
Mặt bằng giá phát hành đang ở mức 12 - 13%/năm, thậm chí có DN rủi ro thấp dự định chào bán trái phiếu với lãi suất 10%/năm. Biên lãi suất cho các kỳ thanh toán sau đã giảm xuống còn 3 - 3,5% cho các DN thuộc ngành hàng sản xuất.
HAGL phát hành 950 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 14% năm đầu và biên hai năm sau là 5%
Cách đây ba tháng, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm, với lãi suất cố định 13,2%/năm. Cách đây hơn hai tháng, CTCP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) đã huy động 7.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 3 năm, với giá phát hành của kỳ đầu tiên là 13%, biên thanh toán cho các kỳ sau là 5%. Hiện tại, một DN ngành hàng sản xuất đang chào bán trái phiếu với mức giá 11 - 12%/năm.
Tin từ giới đầu tư trái phiếu, giá phát hành hiện nay tiếp tục hạ so với thời điểm cách đây vài tháng, theo xu hướng giảm liên tục của lãi suất huy động.
“Với một DN lớn thuộc hàng blue-chip như HAGL thì lãi suất 14% năm đầu và biên lãi suất 5% cho hai năm sau đó có thể coi là khá cao”, ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích CTCK Vietcombank nhận xét về thương vụ phát hành trị giá 950 tỷ đồng của HAGL ngày 9/7 vừa qua.
Theo ông Tuấn, mặt bằng lãi suất trái phiếu DN đang khá tương đồng với lãi suất cho vay của DN. Mặc dù lãi suất huy động khó có thể giảm thêm, nhưng lãi suất trái phiếu DN từ nay đến cuối năm có thể sẽ giảm nhẹ.
Đại diện công bố thông tin của HAGL không bình luận về đợt phát hành trái phiếu của mình. Theo bản công bố thông tin sơ bộ phát hành trái phiếu HAGL đưa ra hồi đầu tháng 6, Công ty sẽ sử dụng 600 tỷ đồng trong số tiền thu được từ đợt phát hành để cơ cấu lại khoản nợ của các đơn vị thuộc HAGL, bao gồm 450 tỷ đồng nợ của CTCP Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai và 150 tỷ đồng của CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai, còn lại 350 tỷ đồng dùng để hợp tác kinh doanh, thực hiện dự án trồng và chăm sóc cao su tại tỉnh Gia Lai của CTCP Trồng rừng công nghiệp Gia Lai.
Tài sản đảm bảo là cổ phiếu HAG của Công ty, trong đó HAGL đảm bảo cầm cố số cổ phiếu có giá trị luôn bằng ít nhất 120% tổng mệnh giá trái phiếu chưa thanh toán trong suốt thời gian đảm bảo. HAGL cũng cam kết sẽ thanh toán số tiền còn thiếu cả trong trường hợp số tiền gửi và cổ phiếu của Công ty không đủ để thanh toán cho bên mua trái phiếu. Đại lý quản lý tài sản đảm bảo cho HAGL là Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Lai.
Một nguồn tin liên quan đến đợt phát hành trái phiếu của HAGL cho biết, BIDV đã mua toàn bộ số trái phiếu này.
Tính đến thời điểm 31/12/2012, HAGL có các khoản vay và nợ ngân hàng ngắn hạn (có thời hạn dưới 12 tháng) là 1.449 tỷ đồng, trong đó 902 tỷ đồng vay của Vietcombank và 261 tỷ đồng vay của BIDV; các khoản vay của Vietcombank chủ yếu là vay tín chấp, có lãi suất 12 - 12,5%/năm; các khoản vay BIDV là vay có tài sản thế chấp, có lãi suất 16 - 17%/năm.
Từ đầu năm tới nay, HAGL tích cực tái cấu trúc Công ty để giảm bớt áp lực nợ. Đầu tháng 7 này, HAGL công bố bán các dự án thuộc lĩnh vực thủy điện và dự án/cổ phiếu của các công ty con trong lĩnh vực bất động sản để tập trung đầu tư cho các đơn vị có tỷ suất lợi nhuận cao hơn và để trả nợ ngân hàng.
CTCK TP. HCM trong bản báo cáo tuần trước về HAGL đã dự báo lợi nhuận thuần năm 2013 cho Công ty mẹ HAGL giảm khoảng 13%, trong khi đó, P/E dự phóng của cổ phiếu HAG rất cao, ở mức 28,7 lần. Tuy nhiên, CTCK VPBank trong báo cáo ngày 12/7 lại nhận định, HAGL có thể đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý II/2013; lũy kế 6 tháng ước đạt 610 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Công ty này duy trì đánh giá tích cực và khuyến nghị mua HAG ở mức giá hiện tại.