Chi phí tài chính giảm
HAGL Agrico được thành lập năm 2010 khi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (công ty mẹ) thực hiện chương trình tái cấu trúc, với các sản phẩm chủ lực là cao su và cây ăn trái. Hiện Công ty đã cắt giảm được chi phí tài chính và đây là nguyên nhân giúp lợi nhuận quý I/2020 được cải thiện.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HAGL Agrico đạt 666 tỷ đồng trong quý I/2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu tăng là diện tích khai thác và sản lượng trái cây cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ doanh thu tăng mạnh, nên lợi nhuận gộp của Công ty đã tăng tới 184% so với quý I/2020, đạt 273 tỷ đồng.
Những tín hiệu lạc quan từ hoạt động đã giúp HAGL Agrico có được lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, dù không lớn, chỉ 2,85 tỷ đồng, thay vì lỗ hơn 90,2 tỷ đồng trong quý I/2019. Ngoài sự tăng nhịp của hoạt động bán hàng, kết quả này của HAGL Agrico còn có sự đóng góp của việc tiết giảm chi phí tài chính, từ mức 187,7 tỷ đồng trong quý I/2019 xuống còn 138,4 tỷ đồng trong quý I/2020, giảm 49,3 tỷ đồng.
Chi phí tài chính giảm một phần là nhờ Công ty đã thực hiện cơ cấu nợ trong năm 2019, khiến nợ phải trả giảm mạnh từ gần 20.000 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 13.500 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, vay ngắn hạn đã giảm từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.700 tỷ đồng, vay dài hạn giảm từ 9.600 tỷ đồng xuống 4.600 tỷ đồng.
Vay nợ nhúc nhích tăng trở lại
Xu hướng cải thiện cơ cấu vốn theo hướng giảm vay nợ trong năm 2019 không còn được duy trì trong năm 2020. Quy mô vay nợ của HAGL Agrico đã nhúc nhích tăng trở lại từ mức 13.500 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2019 lên mức hơn 14.600 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020. Trong đó, vay dài hạn tăng mạnh trở lại khá rõ rệt, từ 4.600 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2019 lên mức 7.600 tỷ đồng vào thời điểm ngày 31/3/2020.
Mặc dù vậy, HAGL Agrico cũng không che giấu ý định gia tăng vay nợ. Động thái có thể thấy rõ nhất của doanh nghiệp này là kế hoạch chuẩn bị huy động 200 tỷ đồng trái phiếu sắp tới. Trái phiếu dự kiến phát hành riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có lãi suất cố định.
Quan sát báo cáo tài chính, có thể thấy, HAGL Agrico có số lượng giao dịch với bên liên quan khá nhiều, với danh mục trong quý I/2020 chiếm tới 6 trang báo cáo tài chính. Trong đó, các công ty có cùng thành viên HĐQT với HAGL Agrico là Công ty Chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), thậm chí là Hoàng Anh Gia Lai với tư cách là công ty mẹ, đều có quan hệ vay mượn và mua bán hàng hóa vật tư với HAGL Agrico.
Ngoài ra, HAGL Agrico còn có các quan hệ giao dịch với nhiều công ty có “dây mơ rễ má” khác như Công ty Gỗ Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Tổ hợp cơ khí Thaco Chu Lai, Công ty Vận tải đường bộ Chu Lai - Trường Hải, Công ty Máy nông nghiệp Thaco, Công ty Phân phối ô tô tải - bus Trường Hải…
Cổ đông liên quan đến Thaco nhộn nhịp mua bán cổ phiếu HNG
Cuối tháng 5, một loạt cổ đông thuộc nhóm cổ đông có liên quan đến Thaco thực hiện giao dịch thay đổi tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico. Cụ thể, ông Trần Bá Dương mua vào 3,88 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 4,23% lên 4,58% (tương đương gần 51 triệu cổ phần). Công ty Sản xuất và Thương mại Trân Oanh mua vào 630.000 cổ phiếu HNG, tăng tỷ lệ sở hữu từ mức 4,9% lên 4,96%, tương ứng gần 55 triệu cổ phần.
Thaco mua thêm 14,96 triệu cổ phần, tăng tỷ lệ nắm giữ tại HAGL Agrico lên 27,63% vốn. Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Minh, Phó chủ tịch Thaco lại bán ra gần 19,5 triệu cổ phiếu HNG, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 2,74% về 0,99%.