Hạch toán bù trừ hai chiều: Cần đối xử bình đẳng với doanh nghiệp bất động sản

(ĐTCK) Trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) một lần nữa nhắc lại kiến nghị về việc cho phép hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp.
Hạch toán bù trừ hai chiều: Cần đối xử bình đẳng với doanh nghiệp bất động sản

Theo HoREA, thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2017 vẫn trong chu kỳ tăng trưởng và phát triển nhưng đang có xu thế chững lại, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Để thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, HoREA kiến nghị một số nội dung cấp bách trong đó có việc cho phép hạch toán bù trừ.

Theo quy định thuế hiện hành, doanh nghiệp được phép bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với các hoạt động kinh doanh khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép bù lỗ kinh doanh bất động sản với lãi của hoạt động kinh doanh sản xuất mà không được bù lãi kinh doanh bất động sản với lỗ của hoạt động kinh doanh khác. Tức là nếu doanh nghiệp có lãi từ kinh doanh bất động sản thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và không được bù lỗ cho các hoạt động khác.

HoREA cho rằng đây là quy định bất hợp lý. Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” trước đây, HoREA đã nêu kiến nghị và được Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 35/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan “nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt đọng chuyển nhượng kinh bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (bù trừ hai chiều)”.

Tuy nhiên, cho đến nay, chủ trương này vẫn chưa được thực hiện.

Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành và không phải hoạt động kinh doanh nào cũng có lãi.

Việc không được hạch toán bù trừ hai chiều là một điều bất hợp lý. Một doanh nghiệp vừa có hoạt động xây lắp vừa có kinh doanh bất động sản cho biết, thời gian vừa qua, kinh doanh bất động sản thì có lãi nhưng hoạt động xây lắp của doanh nghiệp thì lỗ đến gần 40 tỷ đồng.

Dù vậy, công ty không được hạch toán bù trù thành ra vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong khi tính chung kết quả kinh doanh lãi rất ít. Trong thời gian vừa qua, tình trạng này khá là phổ biến ở những doanh nghiệp vừa có hoạt động xây lắp vừa có kinh doanh bất động sản.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định chỉ cho phép bù trừ một chiều là bất bình đẳng và cần sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là một hoạt động kinh doanh như mọi hoạt động khác của doanh nghiệp và cần được đối xử bình đẳng.

Việc sử dụng đồng lãi từ bất động sản để bù trừ lỗ cho hoạt động khác sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động với kế hoạch đầu tư, tối ưu hóa nguồn vốn để phát triển dài hạn.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội), quy định cấm chuyển lãi kinh doanh bất động sản vừa vô lý vừa gây cản trở cho doanh nghiệp. Nếu hoạt động kinh doanh bất động sản có lãi nhưng nhiều lĩnh vực khác lại lỗ lớn, thì kết quả chung là doanh nghiệp bị lỗ mà vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thậm chí nộp rất nhiều.

“Kinh doanh không phải cái gì cũng lãi, lúc nào cũng lãi. Vì thế doanh nghiệp mới cần đa dạng hóa sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững. Bất động sản cũng vậy, không phải lúc nào cũng lãi, chúng ta thấy cũng có giai đoạn thị trường bất động sản khủng hoảng, doanh nghiệp bất động sản thua lỗ. Lúc này cần có hoạt động kinh doanh khác chống đỡ, nếu không doanh nghiệp sẽ phát sản”, luật sư Chi bình luận.

Luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải là thuế mà doanh nghiệp phải có thực lãi mới phải nộp. Với cách hạch toán như hiện nay thì doanh nghiệp không chủ động điều tiết được hoạt động sản xuất - kinh doanh, không phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh. Nếu cứ tận thu thì doanh nghiệp không có khả năng mở rộng hoạt động để gánh đỡ lẫn nhau khi thị trường biến động.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Bùi Trang
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục