
Những kết quả tích cực giữa khó khăn.
Năm 2024 tiếp tục được đánh giá nhiều khó khăn của thị trường tiêu thụ các loại đồ uống có cồn như bia, rượu tại Việt Nam. Việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ chính sách kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông theo quy định của Nghị định 100 đã tạo nên thói quen tốt cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng làm giảm sản lượng tiêu thụ của các loại sản phẩm bia, rượu.
Những sự kiện thiên tai liên tiếp như cơn bão số 3 đối với khu vực miền Bắc nối tiếp lũ lụt ở khu vực miền Trung trong tháng 9-10/2024 cũng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong những tháng cuối năm 2024, xu hướng cơ cấu lại bộ máy tổ chức, tinh giản nhân sự lan rộng từ khối hành chính công đến các doanh nghiệp tư nhân cũng tạo ra tâm lý thắt chặt chi tiêu của nhiều nhóm người tiêu dùng và làm giảm sức cầu tiêu thụ với những sản phẩm đồ uống có cồn như bia, rượu,…
Theo số liệu của Cục Thống kê - Bộ Tài Chính, sản lượng sản xuất bia cả nước năm 2024 ước đạt 4.486.9 triệu lít, giảm 1% so với năm 2023. Trong khi sản lượng tiêu thụ có tăng trưởng nhưng ở mức thấp với ước tính chỉ 2,5%. Tình hình kinh doanh khó khăn được phản ánh qua doanh thu, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp bia lớn như Heineken, Sabeco đều tăng trưởng chậm trên mức nền thấp của năm 2023.
![]() |
Sức cầu thấp cũng khiến tình hình cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt hơn khi các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi nhằm giành thị phần. Trong khi Heineken liên tiếp tổ chức các sự kiện các đại nhạc hội với quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành nhằm quảng bá thương hiệu thì Carlsberg cũng ghi nhận số lượng chương trình khuyến mãi trong năm 2024 tăng gấp 3 lần so với năm 2023,…
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều hãng bia tư nhân giả, làm nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về mẫu mã, kích thước bao bì, tên sản phẩm của các thương hiệu uy tín sau đó phân phối với giá rẻ, chiết khấu cho đại lý cao tiếp tục diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp, khó phát hiện và xử lý.
Vượt qua những khó khăn, thách thức ấy, Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vẫn đạt được những kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra.
Kết thúc năm 2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty đạt 7.364,4 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023, hoàn thành 102,5% kế hoạch năm. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 463,9 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2023, hoàn thành 186,5% kế hoạch năm. Các chỉ số tài chính như hiệu quả sản xuất kinh doanh, chỉ số an toàn tài chính, chỉ số khả năng tài trợ vốn và chỉ số khả năng thanh toán,…đều giữ ở mức cao hơn bình quân của ngành.
Đây là kết quả của hàng loạt những giải pháp đồng bộ, phù hợp, linh hoạt ở cả hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp được Tổng công ty triển khai ngay từ đầu năm, kết hợp thống nhất chiến lược định vị và phát triển sản phẩm, thương hiệu với chiến lược phân phối và phát triển thị trường. Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên vật liệu để nâng cao hiệu quả mua sắm nguyên vật liệu, quản lý tồn kho. Quản lý tốt nguồn vốn giúp không chỉ luôn đảm bảo đáp ứng đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tối ưu được lợi nhuận tài chính từ khai thác hiệu quả nguồn vốn thặng dư,….
Vững bước vượt chông gai
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Ban lãnh đạo Habeco đã trình cổ đông thông qua kế hoạch năm nay với mục tiêu 7.471,1 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ và 278 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4% về chỉ tiêu doanh thu và tăng 11,7% về chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch năm 2024.
Kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty đặt ra được đánh giá là khá thách thức trong bối cảnh ngành bia Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2025. Chẳng hạn như Nghị định 168 với nội dung tăng nặng mức xử phạt với những người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông làm giảm nhu cầu sử dụng bia, rượu của người dân.
Việc thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia, rượu tăng mạnh tại dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025 cũng sẽ khiến tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn, làm gia tăng chênh lệch giá giữa các sản phẩm hợp pháp với hàng nhập lậu, rượu tự nấu, bia không được kiểm soát chất lượng của các nhà sản xuất tư nhân,…. Áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành tiếp tục đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi để duy trì sức cạnh tranh.
Trên thị trường hàng hóa, giá các nguyên vật liệu sản xuất chính của ngành bia như như nhôm, malt có xu hướng tăng ngay từ đầu năm và đang duy trì ở mức cao do các chính sách thuế quan từ Mỹ có độ bất định cao. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang làm gián đoạn, thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa khiến công tác dự báo giá, mua sắm tồn kho của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn,...
Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Tổng công ty đã xác định chiến lược trọng tâm năm 2025 là sẽ tiếp tục đầu tư, bảo vệ vị thế dẫn đầu tại thị trường phía Bắc, mở rộng và phát triển thị trường tại Miền Trung và Miền Nam song song với mở rộng thị trường xuất khẩu. Nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đối với với người tiêu dùng.
Định hướng chiến lược ấy được cụ thể hóa thành các giải pháp như tiếp tục đầu tư và phát triển sản phẩm-định vị thương hiệu ở phân khúc phổ thông và trung cấp-là phân khúc sản phẩm chủ lực mà Tổng công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh. Từng bước mở rộng và phát triển phân khúc cao cấp đón đầu khi nền kinh tế hồi phục. Nghiên cứu các dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng của khách hàng giới trẻ.
Phát triển, kết hợp hiệu quả các kênh phân phối như tiêu dùng gián tiếp, tiêu dùng trực tiếp, kênh hiện đại và kênh thương mại điện tử với các hoạt động truyền thông kết nối, các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng. Tiếp tục quy hoạch lại, hoàn thiện hệ thống phân phối, lựa chọn các nhà phân phối có tiềm lực, có hệ thống phân phối lớn, thay thế các nhà phân phối yếu, kém.
Tăng cường công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, cải tiến quá trình sản xuất. Rà soát, xác định các kế hoạch chi phí thực sự cần thiết cho sản xuất, kinh doanh. Tập trung nguồn lực, chi phí cho công tác thị trường, phát triển sản phẩm. Tăng cường quản trị tài sản, nguồn vốn, dòng tiền kết hợp với việc đưa ra các dự báo kịp thời để chủ động trong công tác điều hành.
Song song với thị trường nội địa, Kênh xuất khẩu cũng được Habeco xác định là một trong những trọng tâm phát triển. Nối tiếp những thành công đạt được trong năm 2024 với doanh thu tăng 23,5% so với năm 2023, ký kết được hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, một thị trường lớn nhưng có những yêu cầu khắt khe. Trong năm 2025 Tổng công ty xác định sẽ tiếp tục phát triển các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Anh, Pháp,… đặc biệt chú trọng gia tăng sản lượng xuất khẩu đến thị trường Mỹ. Phấn đấu sản lượng xuất khẩu năm 2025 tăng 10% so với năm 2024.
Với việc chủ động đề ra hàng loạt các giải pháp toàn diện và đồng bộ, Tổng Công ty được kỳ vọng sẽ vững bước vượt qua những chông gai thử thách của môi trường kinh doanh. Củng cố vị thế dẫn đầu cả về thương hiệu và thị phần trong ngành Bia Việt Nam. Duy trì hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sớm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông đã giao phó.