Trả lời các câu hỏi của luật sư, đại diện PVN cho biết, theo quy chế người đại diện vốn thì có thể dùng quyết định hoặc công văn giới thiệu, đây chỉ là hình thức về mặt pháp lý và có giá trị như nhau.
Việc giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có hai giai đoạn: Quyết định 2649 ngày 23/10/2008 cử ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó tổng giám đốc PVN - PV) làm đại diện vốn 12% và Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện vốn 8%. Sau đó, quyết định này được thay thế bằng Quyết định 3190 ngày 29/12/2008, trong đó nêu rõ chỉ cử ông Sự làm người đại diện vốn.
Các bị cáo tại tòa
Giai đoạn 2: ngày 10/5/2011, PVN có công văn 1038 giới thiệu ông Sơn đại diện phần vốn góp tại Oceanbank. Theo quy chế người đại diện vốn, PVN có thể dùng quyết định hoặc công văn giới thiệu.
“Điều lệ công ty quy định rõ, cử/giới thiệu người làm đại diện phần vốn góp. Chúng tôi muốn làm rõ, đây chỉ là thủ tục. Người đại diện thì phải theo thỏa thuận giữa PVN và OceanBank và Oceanbank phải chấp nhận người đại diện, việc đó mới quan trọng. Còn sau đó có quyết định hay gì thì chỉ là việc quản lý nội bộ của PVN”, đại diện PVN nói.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vẫn khẳng định, mình không phải là đại diện vốn của PVN, vì mới chỉ được giới thiệu chứ chưa có quyết định nên chưa có giá trị. Sau thời gian làm Tổng giám đốc Oceanbank, bị cáo được điều chuyển về công tác tại PVN, không làm gì ở OceanBank nữa và không được phân công công tác, không tham gia HĐQT Oceanbank.
Bị cáo Hà Văn Thắm đã được hỏi đi hỏi lại nhiều lần xung quanh hành vi bị cáo buộc chiếm đoạt của bị cáo Sơn.
Theo bị cáo Hà Văn Thắm, bị cáo tin bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng và đã chi hết số tiền đó cho các khách hàng cần chăm sóc.
Theo bị cáo Thắm, nếu bị cáo Sơn chiếm đoạt thì chiếm đoạt tiền của bị cáo, vì vốn góp ở Oceanbank chủ yếu là tiền của bị cáo, thậm chí có cả tiền cá nhân.
Bị cáo Thắm cũng tin rằng, các bị cáo đồng nghiệp khác đã chi tiền thật sự cho khách hàng.
“Nếu có sự chiếm đoạt thì chỉ vài lần chứ bị cáo không thể để kéo dài nhiều năm như vậy. Bản thân bị cáo có biện pháp để biết được các anh chị có chi tiền cho khách hàng hay không”, bị cáo Thắm nói.
Các biện pháp đó, theo bị cáo Thắm, bị cáo biết rõ các anh chị đó phụ trách khách hàng nào. Nếu không chi thì khách hàng sẽ có sự thay đổi, số dư tiền gửi không thể duy trì mãi ở mục không kỳ hạn. Thông qua tiền gửi vào, bị cáo có thể kiểm soát được.
Thứ hai, số lượng tiền chi thêm cho khách hàng gửi qua Nguyễn Xuân Sơn khá lớn. Nếu chiếm đoạt thì tài sản của anh Sơn sẽ có sự thay đổi.
Theo bị cáo Thắm, bị cáo Sơn nhiều khi không biết mình có khoản tiền gì nhưng bị cáo biết.
"Ví dụ như khoản tiền lãi từ cổ phiếu ưu đãi, anh Sơn không nhớ, nhưng bị cáo biết anh Sơn bán lúc nào, bán giá bao nhiêu, từ đó mới có khoản lời 40 tỷ đồng", bị cáo Hà Văn Thắm khai.
Cuối cùng, bị cáo Thắm khai rằng, tin tưởng tư cách con người Nguyễn Xuân Sơn qua thời gian làm Tổng giám đốc ở Oceanbank, nên tin bị cáo Sơn không chiếm đoạt.
Bị cáo Hà Văn Thắm cũng khai rằng, có nhiều cách để bị cáo Sơn có thêm thu nhập ngoài lương. "Nếu anh Sơn cần anh cứ nói chứ không phải chiếm đoạt", bị cáo Thắm nói.