Ba lần khủng hoảng của Oceanbank
Theo lời khai bị cáo Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Khối Nguồn vốn, Oceanbank có 3 lần gặp khủng hoảng, mất thanh khoản là vào năm 2008, 2011 và 2015.
Lần thứ nhất là do khủng hoảng kinh tế của cả nước.
Năm 2011, Oceanbank dừng việc chi lãi ngoài. Khi đó, chỉ có tiền rút ra, không có tiền huy động mới về. Các nhân viên phải vật lộn để giữ lại từng đồng. Khi lượng rút ra gần chạm mức cho vay, lãnh đạo buộc phải thực hiện chi ngoài lãi suất.
Năm 2015, khi chủ tịch Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu bị bắt là đợt khủng hoảng lớn nhất của Oceanbank, giống như con thuyền mất thuyền trưởng. Người dân kéo đến và gây náo loạn văn phòng.
Chung ý kiến với một số bị cáo, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, nguyên Giám đốc Khối Bán lẻ nhận thức rằng, vào thời điểm đó, Oceanbank chi trả lãi ngoài là phản ứng bắt buộc trước cung cầu thị trường trong bối cảnh rất khó khăn.
Năm 2011, tỷ lệ lạm phát là 18,58%, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mệnh lệnh ngân hàng không được huy động gửi tiết kiệm từ dân với lãi suất vượt quá 14%/năm. Nhưng đòi hỏi của người dân khi gửi tiền thì tỷ lệ lãi suất tối thiểu phải bù đắp sự mất đi của lạm phát. Theo bị cáo, đòi hỏi đó không vô lý.
“Bị cáo biết hệ thống ngân hàng rơi vào mất thanh khoản trầm trọng như nào. Trên các phương tiện truyền thông, tỷ lệ tín dụng trên tổng huy động tiền gửi có những ngân hàng ở mức trên 100%. Ngân hàng buộc giữ nguồn huy động mới giữ được thanh khoản và cứu ngân hàng. Các ngân hàng bắt buộc phải tham gia cuộc đua lãi suất”, bị cáo Ba nói.
Theo bị cáo, quyết định của ban điều hành là vi phạm hành chính. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về người quản trị ngân hàng.
“Bị cáo không tưởng tượng được bản thân là cán bộ cấp dưới lại bị quy trách nhiệm rất nặng nề”, bị cáo Ba nói.
Vai trò của Ban kiểm soát ở đâu?
Lời khai của bị cáo Hà Văn Thắm cho thấy, chủ trương chi lãi suất ngoài bắt đầu từ năm 2009 - 2014. Khi đề ra chủ trương không có sự thống nhất của HĐQT. Ban Kiểm soát có biết chủ trương này. Trong các cuộc họp với các giám đốc và ban điều hành, ban kiểm soát đều tham gia và có ý kiến ủng hộ. Trong hệ thống ngân hàng, chỉ có ban kế toán phản đối.
Về hoạt động kiểm soát nội bộ, bị cáo Thắm cho biết, Oceanbank có 2 hệ thống gồm kiểm toán nội bộ thuộc ban điều hành và Ban Kiểm soát cổ đông. Cổ đông mời ông Bùi Văn Hải về làm ban kiểm soát. Việc kiểm toán nội bộ, kiểm tra kiểm soát đều báo cáo với Tổng giám đốc. Bị cáo không được báo báo cáo.
Bị cáo Thắm cho biết, quá trình thực hiện, Oceanbank đều mời Công ty Kiểm toán Deloite. Lời khai của của Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Ba nói làm rất minh bạch, không che giấu là đúng.
Bị cáo Thắm nói thêm: “Khi xử lý Ngân hàng ACB, cơ quan Cảnh sát điều tra đã công bố 29 ngân hàng vi phạm chi lãi suất vượt trần, bản thân bị cáo hỏi có Oceanbank không, các anh nói không có. Cáo trạng cho rằng, hành vi của Oceanbank ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Bị cáo nhớ tại thời điểm đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập nhóm G14 nắm 80% thị trường. Oceanbank không được tham gia nhóm này, Oceanbank chỉ nằm trong phần nhỏ còn lại. Nên Oceanbank làm gì không ảnh hưởng đến thị trường vốn. Các bị cáo không phá hoại chính sách tiền tệ”.
Trước lời khai của một số bị cáo, HĐXX đề nghị triệu tập thêm ông Bùi Văn Hải đến tham dự phiên tòa.