Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, đến hết tháng 4/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 1.012,2 tỷ đồng/8.822,3 tỷ đồng kế hoạch vốn giao, bằng 11,47%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 31% kế hoạch).
Trong đó, nguồn vốn các dự án do bộ, ngành Trung ương quản lý đạt 8,5% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý đạt 6,5% kế hoạch; nguồn vốn ODA đạt 5% kế hoạch.
Một số dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn, nhưng giải ngân đạt tỷ lệ thấp như: Dự án hạ tầng cơ sở cho sự phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh (BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh chủ đầu tư) có số vốn 451 tỷ đồng, giải ngân được 4,6 tỷ đồng, đạt 0,98%; Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh chủ đầu tư), có số vốn 156 tỷ đồng, đến nay chưa giải ngân được đồng nào; Dự án tổng hợp các đô thị động lực (tiểu dự án đô thị thị xã Kỳ Anh, nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới), có số vốn 171,6 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được 1,6 tỷ đồng, đạt 0,9%...
Bên cạnh đó, 189 dự án do các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn toàn tỉnh có kế hoạch vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, với tổng kế hoạch vốn 3.6625 tỷ đồng đến nay cũng chưa giải ngân được đồng nào.
Trước tình trạng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết, để quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản (số 3098) yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm túc các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân các dự án; làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân, nhất là các dự án chưa giải ngân và đề xuất giải pháp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/5.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kịp thời tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ; tiếp tục rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng thực hiện và giải ngân sang các dự án vượt tiến độ.