Như vậy, sau một thời gian dài nỗ lực tìm giải pháp xoá bỏ hình ảnh về một môi trường đầu tư chưa thân thiện, Hà Tây đang lấy lại vị thế “cửa ngõ thủ đô” trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuần trước, thay mặt cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong Phú, một công ty được hậu thuẫn bởi 3 tên tuổi là Tổng công ty Dệt Phong Phú, VinaCapital và Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dệt Phong Phú đã nhận giấy phép đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Mai thuộc TP. Hà Đông. Phong Phú dự kiến đầu tư tới 1.265 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp rộng 225 ha nhằm đón đầu nhu cầu thuê đất của hàng trăm doanh nghiệp muốn có “đất sạch” xây nhà xưởng.
Ngoài Phong Phú, 2 công ty trong nước khác là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Tây và Công ty cổ phần May Chiến Thắng cũng quyết định đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Hà Tây. Tuần Châu Hà Tây được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.178 tỷ đồng. Công ty này dự kiến sẽ xây dựng một sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, khu công viên lịch sử, thuỷ cung; khu vui chơi cảm giác mạnh, khu con đường di sản cũng như tổ hợp thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế và khách sạn 5 sao 150 phòng trên diện tích 199 ha và có khả năng đón 10.000 lượt khách/ngày.
Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Tuần Châu Hà Tây, người vốn rất nổi tiếng với việc “biến” đảo Tuần Châu-Hạ Long từ một làng chài thành khu du lịch cao cấp, không giấu giếm ý định tiếp tục đổ vốn vào Hà Tây với tham vọng xây dựng một khu đô thị cao cấp mà ông hy vọng sẽ được cấp phép trong vòng vài tháng tới.
Hà Tây cũng đang là “thanh nam châm” cực mạnh thu hút các nhà đầu tư bất động sản (BĐS). Sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Booyoung (Hàn Quốc) xây dựng khu chung cư quốc tế với tổng vốn 171 triệu USD và Công ty TSQ xây dựng Làng Việt Kiều châu Âu với số vốn 59 triệu USD, cũng trong tuần trước, Hà Tây tiếp tục thu hút thêm một nhà đầu tư trong nước là Công ty cổ phần May Chiến Thắng vào Khu đô thị mới Mỗ Lao. Tại đây, Chiến Thắng dự định đầu tư 488 tỷ đồng xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê với diện tích sàn trên 68.000 m2. Bà Ninh Thị Ty, Tổng giám đốc của Công ty May Chiến Thắng , cho biết, Công ty đã thuê các chuyên gia tư vấn của Đức cũng như các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam để xây dựng một dự án BĐS có kiến trúc đẹp.
Hiện nay, Hà Tây đã có 4 dự án BĐS lớn đang triển khai, trong đó có Khu đô thị mới Văn Quán, với hàng nghìn căn hộ đã hoàn thành xây dựng. Liên doanh Posco -Vinaconex cũng vừa khởi công xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh với hơn 6.400 căn hộ và 1.300 biệt thự tại huyện Hoài Đức. Gần đó, Công ty Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm đang hoàn thiện Dự án khu du lịch sinh thái với hơn 350 căn biệt thự và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà cũng đang chuẩn bị xây dựng Khu đô thị Nam An Khánh có diện tích gần 200 ha.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, tiết lộ với Báo Đầu tư rằng, tỉnh đang làm thủ tục để có thể cấp giấy chứng nhận vào tháng 6/2007 cho 2 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xây dựng khu đô thị với tổng vốn đăng ký lên đến 600 triệu USD.
Quyết tâm đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng sẵn cơ sở hạ tầng và thủ tục đầu tư minh bạch đang là các yếu tố “hút” các nhà đầu tư đến với Hà Tây. Đồng thời, dòng vốn đầu tư mới cũng khẳng định vị thế chiến lược là “của ngõ Thủ đô” của Hà Tây trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư BĐS, muốn xây dựng những khu đô thị vệ tính và khu vui chơi giải trí cho Hà Nội.