Hạ tầng giao thông khu Nam TP.HCM đang quá tải

Năm 2016 sẽ tiếp tục là năm khởi sắc của thị trường bất động sản khu Nam TP.HCM với nhiều dự án mới được động thổ. Tuy nhiên, khu vực này đang quá tải khi lượng dân cư dồn về đây quá nhiều, dẫn tới ách tắc giao thông.
Hàng loạt dự án bất động sản được xây dựng đã khiến khu vực phía Nam TP.HCM trong tình trạng quá tải về giao thông Hàng loạt dự án bất động sản được xây dựng đã khiến khu vực phía Nam TP.HCM trong tình trạng quá tải về giao thông

Thị trường bất động sản TP.HCM vài năm nay ghi nhận sự phát triển mạnh các phân khúc tại khu vực phía Nam, mà trọng tâm là quận 7 với nhiều dự án chung cư, nhà phố, đất nền có lượng giao dịch ổn định.

Đặc biệt, những dự án như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tạo nên lực hấp dẫn cho nhiều dự án bất động sản hình thành tại khu vực này.

Các chủ đầu tư như Novaland với Sunrise City, Nam Long với Camellia Garden, Hưng Thịnh Land với Florita, Him Lam Land với Him Lam Riverside... đều rất thành công với những dự án căn hộ cao cấp tại khu vực này.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, trong năm qua, những dự án của Hưng Thịnh tung ra thị trường nằm ở khu vực phía Đông và Nam TP.HCM đều bán rất chạy, điển hình như Florita với 570 căn, giá bán từ 1,6 tỷ đồng/căn, đã giao dịch thành công 100% trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Công ty CBRE Việt Nam cho biết, trong quý III/2015, số căn hộ chào bán mới tại TP.HCM là 10.114 căn, trong đó nguồn cung mới của khu Nam (gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36%. Cụ thể, khu Nam có 36 dự án, trong đó có hơn 10 dự án hiện đang mở bán với số lượng hàng ngàn căn hộ.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), năm 2015, thị trường bất động sản TP.HCM đã chào đón 41.787 căn hộ từ 78 dự án, đa số tập trung ở phía Đông và phía Nam thành phố. Trong năm 2016, thị trường bất động sản khu Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn.

Theo ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc bộ phận định giá và nghiên cứu của Cushman & Wakefield, trong 2 năm, 2014 - 2015, khu Nam đã phát triển rất sôi động, khu vực này sẽ là trọng tâm phát triển của bất động sản TP.HCM trong khoảng 1-2 năm tới do quỹ đất còn nhiều.

Trước sự phát triển rầm rộ của các dự án bất động sản, khu Nam TP.HCM đã xuất hiện tình trạng quá tải về giao thông, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối giờ chiều luôn xảy ra tình trạng kẹt xe.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện tại khu vực từ trung tâm Thành phố hướng về quận 4, quận 7, quận 8 và quận Nhà Bè chủ yếu lưu thông trên 3 trục đường chính là Nguyễn Tất Thành (từ cầu Khánh Hội quận 1 về quận 4 và quận 7), đường Trung Sơn (từ quận 5 về quận 8 và quận 7), đường Khánh Hội (nối quận 1 ra quận 4 và về đường Nguyễn Hữu Thọ quận 7).

Như vậy, với tốc độ phát triển rầm rộ của các dự án bất động sản, và cả các trường đại học được xây dựng ở đây như Đại học Tôn Đức Thắng với hàng chục ngàn sinh viên, Đại học Văn Hiến đang xây dựng, sẽ kéo một lượng dân số lớn về đây. Trong khi thời gian qua, hạ tầng tại khu Nam TP.HCM mặc dù đã được đầu tư nhiều song không thể đáp ứng số dân lớn như vậy.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho rằng, để khu Nam phát triển hài hòa thì Thành phố cần xây dựng đồng bộ hạ tầng kết nối tới khu vực này. Chẳng hạn như có thêm cầu kênh Tẻ và các cây cầu khác để kết nối thêm khu vực Nhà Bè, cũng như xây dựng nút giao thông tại Phú Mỹ Hưng để đảm bảo giao thông không bị ách tắc. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để giao thông thông suốt.

“Phát triển bất động sản khu vực phía Nam thành phố sẽ giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đồng thời biến nơi đây thành một cực phát triển kinh tế của Thành phố. Vì thế, ngân sách Trung ương cũng như địa phương nên ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực này, nếu không thì sau này chúng ta sẽ tốn rất nhiều tiền để giải bài toán kẹt xe”, ông Châu nói.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục