Hạ tầng giao thông Đắk Lắk: 'Đường lớn đã mở'

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được tỉnh Đắk Lắk dồn sức đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng hoàn thành để xóa bỏ điểm nghẽn, tạo “đường băng lớn” đưa Đắk Lắk cất cánh.
Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ sẽ tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Đắk Lắk Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ sẽ tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Đắk Lắk

Dồn sức cho cao tốc

Sau khi Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được phát lệnh khởi công, chính quyền tỉnh Đắk Lắk liên tục tổ chức nhiều cuộc họp về giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, phấn đấu đến cuối năm 2023 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai Dự án.

Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk, ông Lê Công Du cho biết, đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu của Dự án đã hoàn thành; công tác rà phá bom mìn, vật nổ cơ bản hoàn thành trên phạm vi toàn tuyến. Tính đến hết tháng 10/2023, các địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư đạt trên 75%, đảm bảo yêu cầu theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ.

Riêng Dự án thành phần 2 mới đạt 24,6%, do tuyến đi qua khu vực cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án. Các nhà thầu thi công cũng đã tập kết máy móc, thiết bị đến công trường; đang triển khai thi công đường công vụ, san ủi, làm lán trại, phát quang, dọn dẹp mặt bằng.

Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh và cả khu vực; là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ; kết nối hành lang vận tải Đông - Tây.

- Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi khi hoàn thành sẽ kết nối hiệu quả, đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của đất nước; đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, là hành lang vận tải quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên; giải quyết những hạn chế của tuyến Quốc lộ 26, với đèo dốc hiểm trở, đi qua khu vực dân cư đông đúc…

Ngoài ra, với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, thuận tiện, an toàn, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang này.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh và cả khu vực; là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ; kết nối hành lang vận tải Đông - Tây.

“Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của 2 tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Chính vì thế, tỉnh Đắk Lắk đang quyết tâm và dồn sức để sớm đưa tuyến cao tốc này hoàn thành, đi vào hoạt động”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định.

Tháo điểm nghẽn, tạo bứt phá

Đắk Lắk có địa hình phức tạp, mạng lưới giao thông đường bộ trải dài trên diện tích rộng. Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực nông thôn của tỉnh rất lớn, song nguồn lực ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn từ xã hội rất khó khăn… Ông Lê Công Du nhìn nhận, giao thông thiếu đồng bộ từng là điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk.

Thời gian qua, với quan điểm “giao thông đi trước”, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông. Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển mạng lưới giao thông đường bộ địa phương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các vùng kinh tế trong tỉnh, kết nối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

Theo ông Lê Công Du, Đắk Lắk đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Qua đó kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, từng bước phát triển đồng bộ, kết nối liên hoàn.

Một số dự án trọng điểm, như Tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, đường Hồ Chí Minh, các đoạn tuyến tránh thị trấn Ea Drăng, đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, góp phần giảm mật độ phương tiện qua trung tâm đô thị, tăng năng lực thông hành và giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, một số dự án đang được triển khai xây dựng, như tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…, khi hoàn thành cũng sẽ tạo động lớn cho tỉnh Đắk Lắk.

“Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh đã và đang từng bước được đầu tư hoàn thiện; hệ thống quốc lộ nối liền các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, kết hợp với mạng lưới đường bộ tại địa phương tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh”, ông Du chia sẻ.

Song song với giao thông đường bộ, tỉnh Đắk Lắk cũng tích cực thúc đẩy phát triển đường hàng không. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã trở thành cửa ngõ quan trọng không chỉ của Đắk Lắk, mà còn của cả vùng. Số lượng hành khách và sản lượng hàng hóa thông qua Cảng hàng không Buôn Ma Thuột không ngừng tăng qua từng năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có thể đón khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm và đến năm 2050 là 7 triệu lượt hành khách/năm. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là rất cấp thiết.

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2030, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột là cảng hàng không quốc nội, công suất thiết kế dự kiến đạt 5 triệu lượt hành khách/năm; diện tích đất dự kiến đến năm 2030 là 518,34 ha; ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch là 3.814 tỷ đồng. Giai đoạn định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đáp ứng 7 triệu lượt hành khách /năm; chi phí đầu tư theo quy hoạch là 1.686 tỷ đồng.

Ông Lê Công Du cho biết: “Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Đồng thời, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại, kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, để từ đó nâng cao năng lực kết nối, vận tải, giảm chi phí logistics…, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và nâng cao đời sống nhân dân”.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, với những dự án trọng điểm kết nối liên vùng, xóa tan điểm nghẽn về giao thông, Đắk Lắk sẽ phát triển bứt phá trong tương lai.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục