Hà Nội “trảm” dự án BT: Kẻ khóc, người cười

(ĐTCK) UBND TP. Hà Nội quyết định dừng triển khai 4 dự án BT đình đám, đồng thời không triển khai theo hình thức BT đối với 41 dự án khác. Quyết định này khiến nhiều doanh nghiệp mừng rơn, trong khi có những đơn vị “khóc thầm” vì có khả năng chịu nhiều thiệt hại.

Người cười nụ

Trong những năm trước, khi thị trường bất động sản còn sốt nóng, dự án BT (dự án xây dựng đổi đất lấy hạ tầng) là “miếng mồi” béo bở, được nhiều doanh nghiệp săn đón. Một số doanh nghiệp được giao dự án BT tại Hà Nội khi ấy đều rất thành công và phất lên nhanh chóng nhờ khai thác quỹ đất tại các dự án   đối ứng.

Những doanh nghiệp từng nhanh chóng phất lên thành “đại gia” có thể kể đến Tập đoàn Geleximco, doanh nghiệp thực hiện Dự án đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) và được quyền khai thác quỹ đất lên đến trên 135 héc-ta trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông; Tập đoàn Nam Cường, với việc thực hiện Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, doanh nghiệp đã nhận được quỹ đất đối ứng gần 200 héc-ta để thực hiện Dự án Khu đô thị Dương Nội; hay như Tổng công ty Cienco 5, với việc thực hiện Dự án đường Trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây, doanh nghiệp đã được quyền khai thác quỹ đất đối ứng trên 195 héc-ta để thực hiện Dự án Thanh Hà (quận Hà Đông)…

Tập đoàn Geleximco trả Dự án Hòa Lạc - Hòa Bình

Việc đầu tư dự án BT rất thành công khiến Nam Cường, Geleximco và nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục nhận đầu tư các dự án BT khác. Song việc thị trường địa ốc trầm lắng đã khiến việc đầu tư dự án BT không còn hiệu quả. Tại nhiều dự án BT, các nhà đầu tư triển khai dự án rất cầm chừng. Thậm chí, vì quá khó khăn về vốn, Tập đoàn Geleximco mới đây đã xin trả lại Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, dù nhà đầu tư đã đầu tư vào dự án này trên 300 tỷ đồng, mà chưa khai thác được một đồng từ quỹ đất đối ứng.

Trong khi đó, việc doanh nghiệp rút khỏi dự án BT cũng diễn ra với không ít dự án tại Hà Nội thời gian gần đây. Trao đổi với Đầu tư Bất động sản mới đây, một đại diện của Tổng công ty Cienco 5, doanh nghiệp vừa được yêu cầu dừng triển khai Dự án đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây còn cho rằng, việc Hà Nội dừng triển khai theo hình thức BT có khi lại tốt cho doanh nghiệp và dự án, bởi thị trường địa ốc quá khó khăn, doanh nghiệp không có vốn để triển khai. Vì thế, nếu không triển khai theo hình thức BT, dự án  có thể tìm được nguồn vốn khác tốt hơn .

 

Kẻ khóc thầm

Trong khi một số doanh nghiệp đang “mừng thầm”, thì Tập đoàn Nam Cường lại đang rất bối rối trước thông tin Hà Nội dừng triển khai theo hình thức BT đối với Dự án đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin dự án bị tạm dừng, bởi theo ông Oanh, Dự án đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu có chuyện tạm dừng, thì Thành phố sẽ phải mời doanh nghiệp lên làm việc.

Một lý do nữa khiến Nam Cường lo lắng trước quyết định tạm dừng đầu tư theo hình thức BT của dự án này, theo giải thích trước đó của doanh nghiệp, là vì Tập đoàn đã đầu tư 1.000 tỷ đồng vào Dự án.

Quá tiếc số vốn lớn đã bỏ ra, Nam Cường xin tiếp tục được triển khai dự án, trong khi xin trả lại 2/4 dự án đô thị là Dự án khu đô thị Thạch Thất (thực hiện theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất) và Dự án Khu đô thị Quốc Oai (là dự án đối ứng của Dự án đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây). Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án đối ứng trên dường như chưa triển khai vì bị đình chỉ chờ rà soát quy hoạch.

Vì vậy, việc dừng triển khai theo hình thức BT và yêu cầu thanh lý hợp đồng có thể gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn, bởi Thành phố rất khó quyết toán để trả đủ cho Nam Cường số tiền đã đầu tư, khi mà khối lượng công việc Nam Cường đã thực hiện trên thực tế và có thể đo đếm được là rất ít, nếu so với số tiền 1.000 tỷ đồng mà đơn vị này công bố đã đầu tư vào dự án.

>> Nam Cường bị dừng dự án BT nghìn tỷ

>> Thêm quỹ đất đấu giá lớn từ 41 dự án BT

>> Nhiều DN địa ốc tìm cách níu kéo dự án treo

>> “Ông lớn” chây ỳ tiến độ dự án lẫn hạ tầng xã hội

Nguyên Minh
Nguyên Minh

Tin cùng chuyên mục