Ngành du lịch Thủ đô phát huy vai trò đầu tàu
Thời gian qua, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ngành du lịch Thủ đô đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tour du lịch mới trên cơ sở kết nối giá trị văn hóa, lịch sử giữa Hà Nội với các địa phương.
Đoàn doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến, cơ quan quản lý du lịch các địa phương tham gia chương trình khảo sát du lịch do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, ngày 13/4/2023. (Ảnh: Hoài Nam) |
Nổi bật phải kể đến chương trình kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình. Tour liên tuyến từ Hà Nội vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Hành trình trở lại miền Trung”.
Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng xây dựng tour du lịch liên kết với các địa phương như tour Hà Nội với các địa phương hành lang kinh tế Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai); xây dựng các sản phẩm du lịch mới đến với Quảng Bình, Huế, Lào Cai, Đà Nẵng, Vinh...
Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, là một trong hai thị trường nguồn khách du lịch nội địa lớn nhất cả nước, ngày 15/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Trà Vinh.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum, Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa nên nơi đây đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với di tích, lễ hội truyền thống. Đây là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh khác biệt so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú với nền ẩm thực lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, tạo nên những nét riêng biệt với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng.
Ông Dương Hoàng Sum cho biết, hậu Covid-19, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh nhanh chóng phục hồi với 1,445 triệu lượt du khách, tổng thu đạt 898,700 tỷ đồng năm 2022.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và đang khai thác các tuyến du lịch mới với hành trình 1 ngày, 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm với các tuyến: du lịch cộng đồng “Thành phố Trà Vinh - làng văn hóa, du lịch Khmer - Cồn Chim”; tuyến du lịch sinh thái “Thành phố Trà Vinh - làng văn hóa, du lịch Khmer - Cồn Hô”; tuyến du lịch văn hóa - sinh thái Tiểu Cần - Cầu Kè; tuyến du lịch biển Ba Động; tuyến du lịch văn hóa huyện Trà Cú.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trước giai đoạn dịch Covid-19, ngành Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tới Trà Vinh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhằm kết nối và xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Tháng 12/2022, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì tổ chức chương trình famtrip tại Vĩnh Long - Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ. Các doanh nghiệp lữ hành đặc biệt quan tâm và bị thu hút bởi các sản phẩm du lịch cộng đồng rất hấp dẫn, như du lịch cộng đồng tại Cồn Chim, Cồn Hô…, cùng với đó là hệ thống các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP rất thân thiện và phong phú tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, ẩm thực Trà Vinh cũng đặc sắc.
Để du lịch Hà Nội - Trà Vinh có sự kết nối chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, ông Trần Trung Hiếu đề xuất hai cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch hai địa phương, đảm bảo duy trì môi trường du lịch lành mạnh và các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn. Đồng thời, phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; thường xuyên phối hợp tổ chức đoàn famtrip các doanh nghiệp du lịch khảo sát, kết nối tuyến du lịch giữa Hà Nội, Trà Vinh và với các địa phương lân cận…
Cũng trong ngày 15/4, tại Hà nội diễn ra Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Bình Định và thành phố Hà Nội năm 2023.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh cho biết, những năm qua, thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Định đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nhất là thông qua ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), tập trung vào 4 nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch.
Qua 2 năm triển khai, các tỉnh, thành phố đã tích cực trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng. Việc liên kết đã góp phần mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển của hai địa phương, nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Trong khuôn khổ hội nghị, hai tỉnh, thành phố đã cùng giới thiệu các sản phẩm du lịch, các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch năm 2023, trong đó, Bình Định có nhiều sự kiện đặc sắc như: chương trình khai mạc Lễ hội du lịch Bình Định năm 2023 “Quy Nhơn - Thiên đường biển - rực rỡ sắc màu”; lễ hội khinh khí cầu năm 2023; ngày hội “Sản phẩm quà tặng du lịch” lần thứ I năm 2023; chung kết toàn quốc Cuộc thi Hoa hậu Thế giới - Việt Nam 2023; lễ hội đường phố Quy Nhơn - Bình Định năm 2023; hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống Bình Định 2023; ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc miền Trung...
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng: Với thương hiệu “đất võ, trời văn” đã được nhiều người biết tới, Bình Định có thể tranh thủ các nguồn lực để xây dựng thêm sản phẩm du lịch đêm, tổ chức show diễn võ vốn là “đặc sản” của Bình Định thành các tour đêm hấp dẫn, mới lạ, gia tăng trải nghiệm cho du khách.
“Bình Định nên tổ chức các đoàn famtrip cho các doanh nghiệp Hà Nội khảo sát, xây dựng sản phẩm và kết nối tour tuyến giữa hai địa phương”, bà Giang nói.
Để tăng tốc phục hồi ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, các doanh nghiệp thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Định cần phối hợp để liên kết du lịch giữa hai tỉnh, thành phố đi vào thực chất, hiệu quả; mở rộng liên kết từ cơ quan quản lý tới các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp du lịch trong xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy trao đổi khách giữa hai địa phương và kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách; nghiên cứu, đánh giá và cơ cấu lại thị trường, đối tượng khách du lịch để dựa trên thế mạnh từng địa phương xây dựng chuỗi sản phẩm phù hợp; đồng thời quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố “xanh”, bền vững.
Đoàn khảo sát do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tại một điểm đến trên địa bàn huyện Đông Anh, ngày 13/4/2023. |
Không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn
Trước đó, ngày 13/4, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát liên kết phát triển du lịch với các địa phương. Chương trình có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến, cơ quan quản lý du lịch các địa phương cả nước.
Đoàn đã khảo sát Phim trường Smiley Ville, Làng múa rối nước Đào Thục, Việt phủ Thành Chương, Paradise Sóc Sơn Resort.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng Trịnh Công Lý đánh giá, Sở Du lịch tổ chức chương trình khảo sát rất ấn tượng, đặc biệt là chương trình xem biểu diễn ở làng múa rối nước Đào Thục. Đây là nghề truyền thống cha ông truyền lại từ ngàn năm nay, cần được tiếp tục bảo tồn, phát huy. Du khách quốc tế cũng rất ngạc nhiên và đặc biệt khâm phục tài nghệ của cha ông ta cũng như những nghệ nhân biểu diễn rối nước.
Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân bày tỏ, từ làng múa rối nước Đào Thục đến Việt phủ Thành Chương..., ông cảm nhận được nhiều màu sắc văn hóa, nhiều cái mới lạ, là điều kiện để doanh nghiệp các tỉnh có được sự kết nối, xây dựng chương trình tour để tham gia các hoạt động du lịch, đưa khách đến Thủ đô Hà Nội.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Thị Hương Giang cho biết, những điểm đến, dịch vụ trong chương trình khảo sát đều là những khu, điểm, dịch vụ, sản phẩm mới đối với chính các doanh nghiệp du lịch Thủ đô. “Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch các địa phương thông qua chương trình, cùng nhau quảng bá để phát triển du lịch, để đến với Hà Nội, du khách có thêm một điểm đến nữa để trải nghiệm”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô không ngừng nỗ lực, sáng tạo nhằm xây dựng và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2023, ngày 14/4, Công ty Du lịch SGO Travel tổ chức Hội thảo giới thiệu tuyến du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang và tuyến du lịch trải nghiệm Hà Nội - Mộc Châu (Sơn La); tổ chức Famtour miệt vườn và làng nghề Lục Ngạn (Bắc Giang).
Theo Phó chủ tịch HĐQT SGO Travel Phùng Quang Thắng, dựa vào những chất liệu văn hóa đa dạng, phong phú của địa phương, SGO Travel tập trung khai thác và đưa những câu chuyện văn hóa vào sản phẩm du lịch, xây dựng tuyến du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang với chùm tour gồm 7 sản phẩm du lịch văn hóa.
Trong đó, chương trình cốt lõi của tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang là tour 1 ngày “Hà Nội - Tây Yên Tử: Theo dấu chân Phật Hoàng” đưa du khách trải nghiệm hành trình lịch sử đầy cảm xúc trên “con đường hoằng dương thuyết Pháp” của vua Trần Nhân Tông và các đồ đệ vào hơn 700 năm trước.
Tuyến thứ 2 - “Hà Nội - Thổ Hà: Thử làm người quan họ” (1 ngày), du khách sẽ được trải nghiệm một ngày sống như người quan họ, được mặc thử áo tứ thân, giao lưu với liền anh liền chị, học hát một vài câu quan họ, thăm những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi và nhiều trải nghiệm thú vị khác.
Tuyến thứ 3 - “Hà Nội - Yên Thế: Vang bóng một thời”, giúp du khách ôn lại truyền thống lịch sử và lòng tự hào dân tộc thông qua các hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm, khám phá những điểm đến văn hóa, lịch sử đặc sắc của Bắc Giang như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang), Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (huyện Yên Thế)…
Tuyến du lịch thứ 4 “Hà Nội - Lục Ngạn”, sẽ đưa du khách khám phá các vựa cây ăn quả (vải thiều, cam, vườn bưởi), các làng nghề (nơi sản xuất mỳ chũ) và thiên nhiên đẹp tại Bắc Giang.
Ngoài 4 sản phẩm 1 ngày, SGO Travel cũng đã xây dựng 3 gói sản phẩm 2 ngày 1đêm. Các sản phẩm lưu trú được xây dựng trên cơ sở mở rộng 4 tuyến sản phẩm nêu trên.
Bên cạnh tuyến du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang, Công ty Du lịch SGO Travel đã nghiên cứu, phối hợp cùng Công ty CP 26 Mộc Châu xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm Hà Nội - Mộc Châu và định hướng sẽ phát triển thành tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La.