Hà Nội tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp

Để giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng thanh tra đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 72 tổ chức và 1 cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó lập danh sách 14.081 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản (Thành phố quản lý 1.609 cơ sở và cấp quận, huyện, xã, phường quản lý 12.472 cơ sở).

Trong đó có 3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và 10.810 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Qua công tác kiểm tra phát hiện 10 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 9 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền là 417 triệu đồng; buộc tiêu hủy 14.221 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 2 tổ chức vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức với tổng số tiền 112 triệu đồng; buộc tiêu hủy 802 kg hạt giống rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Về lĩnh vực chăn nuôi, thuốc thú y, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 2 tổ chức vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 1 tổ chức và trình Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 1 tổ chức với tổng số tiền là 262 triệu đồng; buộc tiêu hủy 92 lọ thuốc thú y quá hạn sử dụng và 52 lọ thuốc thú y không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời chuyển hồ sơ 1 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) để xác minh, làm rõ.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra 2.249 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, phát hiện 212 cơ sở vi phạm, xử phạt 848 triệu đồng. Một số quận, huyện, thị xã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, là: Đông Anh, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Thanh Oai, Hà Đông, Long Biên, Sơn Tây...

Theo Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, trên địa bàn thị xã hiện có 503 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu là nhỏ lẻ, thậm chí hoạt động theo mùa vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã chưa có cơ sở giết mổ tập trung, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, song chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao.

Do đó, để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng đối với sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản để tăng sức cạnh tranh; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ cho nông dân về sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi sản xuất nông sản an toàn...

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và tăng cường quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản; tổ chức thẩm định, xếp loại và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Đồng thời, kiểm tra định kỳ các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các cơ quan trên địa bàn Thành phố và theo chỉ đạo của cấp trên thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu vi phạm hoặc có thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm.

“Người dân nên mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, hợp pháp, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.”, ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục