Chiều 31/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm trực tuyến Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo.
Các chuyên gia và đại diện chính quyền thành phố trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những thành tựu và hạn chế của thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.
Thành công bước đầu là đoàn kết
Tóm lược ba điểm nhấn của Hà Nội trong 10 năm qua, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội đánh giá đó là: thủ đô trở thành động lực đầu tàu kinh tế khu vực Bắc Bộ; cơ sở hạ tầng có nhiều đột phá, xây dựng được những công trình giao thông trọng điểm; đoàn kết sau khi hợp nhất.
“Chia tách thì chia ghế, chia chức vụ đơn giản lắm nhưng sáp nhập thì dễ xảy ra “quyền anh, quyền tôi, chức anh, chức tôi”. Hà Nội đã giải quyết tốt việc này”, ông Kiên dẫn chứng.
Đánh giá đó mới chỉ là thành công bước đầu, ông Kiên thẳng thắn nói rằng Hà Nội còn rất nhiều vấn đề, phải tiếp tục giải quyết để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước như kỳ vọng của Quốc hội.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá trong 10 năm qua, Hà Nội giải quyết được vấn đề nội tại của quá trình mở rộng là một thành công.
Dù còn những hạn chế song thành phố đã tạo được đà từ khuôn khổ chính sách, thể chế, cơ sở hạ tầng... làm bàn đạp cho những năm tiếp theo.
“Nhưng chỉ nhìn con số, nhiều người cho rằng Hà Nội chưa đáp ứng kỳ vọng tận dụng cơ hội của việc mở rộng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận điều này là đúng”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Phân tích những mặt hạn chế của Hà Nội những năm sau mở rộng, ông Hiếu cho rằng cơ cấu sản lượng ngành nghề đóng góp cho thành phố gần như không thay đổi; chưa nhìn thấy tiềm năng của ngành nghề rất mới là nghiên cứu ứng dụng khoa học và các trung tâm sáng chế. Hành lang khu vực kinh tế vùng thủ đô đã hình thành, nhưng chưa phát huy được.
Nhiều kỳ vọng chưa thành
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Viết Tuân.
Ông Nguyễn Đức Kiên phân tích, thủ đô sau khi mở rộng đã xử lý tương đối tốt quy hoạch phát triển đô thị. Nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự như mong đợi.
Ông nhớ lại, khi bàn thảo Nghị quyết 15, các đại biểu Quốc hội không mong những nhà máy may, nhuộm, lắp ráp điện tử... sẽ dồn vào Hà Nội. “Chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước với các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng tri thức này. Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính của khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các thành phần kinh tế khác”, ông Kiên kể.
Đánh giá ở khu các quận, huyện được thiết kế từ thời Pháp, số lượng điểm ngập, úng khi mưa lớn ít hơn so với các khu đô thị mới phát triển, ông Kiên đặt vấn đề về sự kết nối của các khu đô thị mới và cũ trong thành phố ra sao để xử lý vấn đề quá tải nội đô. Một trong những áp lực rất lớn mà Hà Nội đang gánh là gia tăng dân số về mặt cơ học.
“Tôi chia sẻ vấn đề này. Nhìn trong thế chủ động của quá trình phát triển thì đây không phải là vấn đề khủng khiếp. Hà Nội đã có phương án xử lý ra sao trong 30-50 năm tới trước những áp lực ngày càng tăng như vậy?”, ông Kiên đặt vấn đề cho chính quyền thành phố.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất đầu tư phát triển các khu đô thị vệ tinh để giảm tải di dân và các áp lực xã hội cho nội đô Hà Nội. “Tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là trung tâm mà thủ tục hành chính phải sánh ngang với Singapore, Thái Lan... và các nước trong khu vực”, ông Hiếu bày tỏ.
Ghi nhận các ý kiến tại toạ đàm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có nhiều giải pháp: tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, bền vững; coi trọng phát triển văn hoá, xã hội toàn diện, hài hoà; chú trọng phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính...
Ông Hùng khẳng định, Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, sau 10 năm mở rộng, kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế cả nước.
Quy mô GRDP năm 2017 gấp gần 2 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.
Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần).
Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008. Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định...