Hà Nội sắp “bội thu” xử phạt dự án

(ĐTCK) Thiếu cơ sở hạ tầng khu đô thị, chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng năm nào Hà Nội cũng phải nhắc nhở doanh nghiệp.
Hà Nội sắp “bội thu” xử phạt dự án

Từ 4 - 5 năm trở lại đây, dường như năm nào, Sở Xây dựng Hà Nội cũng khảo sát các dự án khu đô thị trong việc hoàn thành nghĩa vụ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng dự án theo quy hoạch được phê duyệt.

Sau những khảo sát này, Sở Xây dựng, UBND TP. Hà Nội lại ra công ra nhắc nhở chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ xây dựng hạ tầng theo quy hoạch để phục vụ cư dân. Nhưng văn bản nhắc nhở của UBND Thành phố, cũng như Sở Xây dựng dường như chỉ như “nước đổ lá khoai”.

Tuy nhiên, tình trạng trên bảo dưới không nghe sắp tới sẽ phải chấm dứt.

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh bất động sản đang được Bộ Xây dựng soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến có quy định, các chủ đầu tư chây ỳ hoàn thiện hạ tầng sẽ bị xử phạt nặng.

Cụ thể, theo Điều 4 Dự thảo Nghị định, các chủ đầu tư có dự án sẽ bị phạt từ 200 - 300 triệu đồng cho hành vi bàn giao nhà, công trình cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án được phê duyệt; hoặc dự án bàn giao nhưng chưa đảm bảo kết nối hạ tầng chung của khu vực, cũng như chưa hoàn thiện mặt ngoài (với công trình bàn giao thô).

Nếu Dự thảo Nghị định này chính thức được Chính phủ ban hành, sắp tới Hà Nội sẽ “bội thu” xử phạt dự án.

Dự đoán trên không phải nói quá, bởi phần lớn các dự án khu đô thị tại Hà Nội hiện nay đều dính phải các lỗi về chây ỳ hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Thậm chí, có nhiều dự án, doanh nghiệp đã thu hết tiền của khách và đưa dự án vào hoạt động từ gần chục năm nay, nhưng chủ đầu tư vẫn khất lần nghĩa vụ hoàn thành hạ tầng theo quy hoạch.

Với nhiều doanh nghiệp, việc triển khai hạ tầng dự án dường như chỉ chiếu lệ, đối phó, khiến dự án nham nhở, cư dân phải sống thiếu thốn trong khu đô thị biệt lập. Tại một số khu đô thị khác, việc chây ỳ thực hiện nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của chủ đầu tư khiến hàng trăm biệt thự bị bỏ hoang, dù chúng đều đã có chủ.

Dù không phải tiền của chủ đầu tư, hay Nhà nước, nhưng nhìn cả trăm tỷ, thậm chỉ cả nghìn tỷ đồng bị đem phơi sương phơi nắng, ai cũng thấy xót xa và đó chính là sự lãng phí tiền của của xã hội.

Có thể kể đến hàng loạt dự án khu đô thị đã bị UBND TP. Hà Nội nhắc nhở ròng rã nhiều lần từ năm 2010 đến nay, như Khu đô thị Cổ Nhuế (quận Nam Từ Liêm), Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy), Khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai), Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông)…

Trong khi đó, nhìn cảnh hàng trăm căn biệt thự bị bỏ hoang, rêu mốc tại Khu đô thị Văn Phú, Khu đô thị Văn Khê, Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông); Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn, Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Kim Chung Di Trạch (huyện Hoài Đức); hay Khu đô thị Trung Văn…, nhiều người cảm thấy rất xót xa và đổ lỗi cho những nhà đầu cơ tạo ra tình cảnh này.

Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải ngắm lại, đa số các dự án trên đều thiếu cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu cuộc sống của cư dân. Biết là xót của, nhưng khó ai chấp nhận cuộc sống “nghèo” trong căn biệt thự trị giá hàng tỷ đồng.

Nếu những khu đô thị này được đầu tư đầy đủ hạ tầng, thì chắc người dân sẽ về sinh sống, kéo theo hiệu ứng tích cực, giúp các căn nhà của nhà đầu cơ tìm được người có nhu cầu ở thật. Nhưng dường như chủ đầu tư sau khi đã bán hết hàng thì để cho khách hàng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Với các dự án kể trên, việc khi nào mới hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch để phục vụ cư dân và thu hút cư dân đến sinh sống, có lẽ vẫn là một dấu hỏi lớn.

Do đó, nhiều người đang trông đợi Dự thảo Nghị định được ban hành. Khi đó, với mức phạt 200 - 300 triệu đồng, Nhà nước sẽ thu được khoản tiền phạt không nhỏ, nhưng có lẽ đó không phải là điều mọi người mong muốn nhất.

Điều xã hội, khách hàng mong muốn nhất khi Nghị định được ban hành là chủ đầu tư phải nhanh tay hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, để giúp tiền của của người dân, của xã hội không bị bỏ hoang một cách vô ích và giúp bộ mặt đô thị đẹp hơn, khang trang hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục