Với thế mạnh trên 1.300 làng nghề và làng có nghề, việc phát triển các cụm công nghiệp làng nghề luôn được Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện 23 hồ sơ cụm công nghiệp làng nghề và dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vào hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề "Hà Nội 2020-Hợp tác đầu tư và Phát triển" được Hà Nội tổ chức vào ngày 27/6.
Đây được xem là một trong các giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố. Đồng thời góp phần giúp hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực cho kinh tế Thủ đô.
Theo oog Guyễ Đức Chung, điểm khác của 23 cụm công nghiệp làng nghề sắp bàn giao cho chủ đầu tư so với các cụm công nghiệp trước đây là các cụm này được xây dựng cơ sở đồng bộ và không được chuyển hộ gia đình ra sinh sống. Đáng chú ý, sẽ tập trung ưu tiên cho phát triển nghề truyền thống của làng nghề cổ truyền; ưu tiên phát triển công nghệ sạch, công nghệ cao và xây dựng đồng bộ hệ thống nước thải...
"Tôi tin với quy hoạch cụm công nghiệp như hiện nay, Thành phố phấn đấu từ nay đến cuối năm tiếp tục giải quyết các cụm công nghiệp còn lại để thời gian tới thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển sản xuất, thu hút nghệ nhân tay nghề cao...", Chủ tịch TP. Hà Nội nêu.
Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 198 làng nghề truyền thống được công nhận. Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, trong đó, có 1.392 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.